Còn nhớ cách đây hơn nửa tháng, Elon Musk đã khiến cả thế giới náo loạn khi tuyên bố rằng sẽ bán cổ phần để quyên góp hơn 6 tỉ USD, với điều kiện Liên Hợp Quốc phải "sao kê" và chứng minh số tiền ấy giúp thế giới giải quyết nạn đối như thế nào.
Để đáp trả lại lời thách thức này, mới đây giám đốc Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc David Beasley đã công bố bản kế hoạch chi tiết về việc 6,6 tỉ USD sẽ giúp thế giới chống lại nạn đói như thế nào, qua một bài đăng dài hơn 1000 chữ trên Twitter.
Bài viết của Beasley nêu rõ Liên Hợp Quốc sẽ phân phối số tiền này như thế nào, khi mang lại đủ bữa ăn và phiếu giảm giá để cung cấp thực phẩm cho 40 triệu người trên 43 quốc gia vốn đang đối mặt với nạn đói được đánh giá là "thảm họa".
David Beasley - giám đốc Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc
Cụ thể, WFP đề xuất sẽ sử dụng 3,5 tỉ USD để mua sắm và vận chuyển trực tiếp thực phẩm đến người cần. 2 tỉ đô tiếp theo sẽ được sử dụng dưới dạng "tiền mặt và voucher mua sắm thực phẩm" tại các khu chợ. 700 triệu đô để vận hành chương trình thực phẩm mới phù hợp với tình hình của từng quốc gia, và đảm bảo sự hỗ trợ sẽ "tiếp cận những người cần nó nhất".
400 triệu đô nữa sẽ dùng cho việc "vận hành, quản lý và kế toán", cùng các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
"Tình hình thế giới đang rất nghiêm trọng," - Beasley cho biết. "Tôi đã từng cảnh báo về một cơn bão khủng khiếp, với sự kết hợp của Covid, chiến tranh, sốc khí hậu, và giờ là giá cung ứng leo thang. Cơn bão ấy đã tới."
"Cơn khủng hoảng đói nghèo này là khẩn cấp chưa từng thấy, nhưng có thể tránh được," - trích bài đăng của Beasley, có đính kèm tài khoản của Elon Musk, người giàu nhất thế giới với tài sản hiện tại là 288 tỉ USD. "Anh yêu cầu một kế hoạch rõ ràng và công khai. Nó đây! Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với anh - và bất kỳ ai khác nghiêm túc muốn cứu thế giới này."
Hiện tại, Elon Musk vẫn chưa có phản hồi gì.
Trước khi Covid-19 ập tới, cơn khủng hoảng đói nghèo của thế giới vốn đã trở nên nghiêm trọng hơn vì biến đổi khí hậu và chiến tranh. Đại dịch đã khiến mọi thứ trở nên đáng sợ, đẩy "42 triệu người đến bờ vực của nạn đói," - Beasley nhận định. "Đây là tình huống tồi tệ nhất."
Không rõ Elon Musk và Jeff Bezos - ông chủ của Amazon, người cũng được Beasley nhắc đến trong lời kêu gọi trước kia - sẽ quyết định như thế nào. Đại diện của Musk hiện chưa bình luận gì, trong khi đại diện của Bezos cũng từ chối trả lời.
Cách đây vài năm, Elon Musk đã từng hóa rất chắc chắn về việc hỗ trợ các quỹ từ thiện. Năm 2018, ông ứng tiền để "hỗ trợ quỹ giúp lọc nước cho bất kỳ ngôi nhà nào tại thành phố Flint có mức ô nhiễm nước trên tiêu chuẩn của FDA." Ông cũng quyên góp thêm nửa triệu đô để lắp đặt hệ thống lọc nước cho các trường học sau đó.
Ngoài ra, Musk có rất nhiều dự án liên quan đến từ thiện. Năm 2021, ông hứa sẽ quyên góp 30 triệu USD cho thành phố Brownsville (Texas) - nơi gần nhất với trung tâm tên lửa mà SpaceX sở hữu.
Tỉ phú giàu nhất thế giới đã thành lập Quỹ Musk, với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, khai phá vũ trụ và sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) an toàn. Ông cũng ký một bản cam kết sẽ quyên góp ít nhất phân nửa tài sản để từ thiện từ nay đến cuối đời.
Nguồn: CNN
J.D
Pháp luật & Bạn đọc