TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM
Từ khi tôi làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển phụ trách công việc liên quan đến văn hóa - xã hội của thành phố thì tôi càng có nhiều cơ hội gặp gỡ báo Tuổi Trẻ, không chỉ trong các hội thảo khoa học hay các cuộc họp của thành phố, mà còn được báo đặt bài viết và phỏng vấn về bảo tồn di sản văn hóa.
Có thể nói sự chia sẻ và đồng cảm của các anh chị nhà báo, phóng viên báo Tuổi Trẻ trong lĩnh vực này đã góp phần giúp cho tiếng nói của giới nghiên cứu nhanh chóng đến được với chính quyền và cộng đồng.
Từ bài phỏng vấn "gay cấn" nhất
Một trong những bài phỏng vấn "gay cấn" nhất của tôi là bài "Đừng đặt người dân vào thế đã rồi" trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-10-2014, do nhà báo Nguyễn Viễn Sự thực hiện. Gay cấn vì nội dung đề cập đến vấn đề đang rất "nóng" lúc bấy giờ là khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi bị rào lại chuẩn bị mặt bằng cho công trường xây dựng metro, việc này gặp sự phản ứng từ phía người dân, doanh nghiệp sống và kinh doanh trong khu vực này.
Trước đó nhiều cây xanh ở đây đã bị chặt đi, rồi việc phá thương xá Tax để xây dựng mới... tất cả làm cho cảnh quan khu trung tâm thay đổi đột ngột, phần lớn người dân bị "sốc" vì chưa được biết thông tin gì. Gay cấn còn vì những câu hỏi của nhà báo trực diện vào vấn đề người dân quan tâm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước...
Những câu trả lời của tôi cũng không thể né tránh thực trạng này, vì vậy tôi lo ngại khi đăng báo có thể bị cắt bớt. Tuy nhiên, rất mừng là bài được đăng nguyên vẹn. Sau đó tôi đã nhận được nhiều lời nhắn bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của tôi, và khi bài lên báo Tuổi Trẻ Online thì nhận được rất nhiều sự tán thành của bạn đọc.
Bài báo còn mang lại niềm vui nhỏ là có nhuận bút - cho đến nay đây là lần duy nhất tôi trả lời phỏng vấn báo chí mà được nhuận bút!
Tuy nhiên kỷ niệm đáng nhớ nhất với Tuổi Trẻ Online lại là vào tháng 7-2018, khi báo online bị đình bản 3 tháng. Lúc này tôi đang đi công tác ở Pháp. Việc Tuổi Trẻ Online "tạm ngừng" gây ra sự hụt hẫng với tôi vì mỗi buổi sáng thường lướt qua tờ báo in để biết tin tức quan trọng, còn khi rảnh rỗi thì đọc báo online để cập nhật tin nóng và xem kỹ những tin bài khác...
Để chia sẻ với Tuổi Trẻ Online và nhiều bạn bè làm việc ở Tuổi Trẻ, tôi viết status ở Facebook mong muốn mọi người hãy mua báo Tuổi Trẻ thường xuyên và đặt mua dài hạn, thiết thực ủng hộ Tuổi Trẻ Online vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ba tháng "xa nhau" suýt nữa thì mất thói quen đọc Tuổi Trẻ Online, may mà khi gặp lại Tuổi Trẻ Online "đã lợi hại hơn xưa".
Còn nhiều kỷ niệm của tôi với Tuổi Trẻ Online, như truyện ngắn 1.200 chữ và những "truyện 100 chữ" của tôi xuất hiện lần đầu là trên Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, sau đó nhiều báo mạng đăng lại trong đó có cả mấy trang web không chính thống, làm cho tôi suýt thì bị vạ lây...
Hãy là đối trọng với tin giả, tin nhảm
Dựa trên nền tảng công nghệ internet và đa phương tiện, báo online hướng đến mục đích quan trọng nhất là thông tin nhanh và thu hút sự tương tác cao của cộng đồng, bên cạnh những mục đích chính đáng khác. Tuy nhiên, thực trạng của nhiều "báo mạng" là tin đồn tin nhảm "hầm bà lằng", nội dung đến hình thức trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá không còn chuẩn mực văn hóa tối thiểu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường thông tin vì nó làm người đọc tử tế e ngại và coi thường thông tin từ báo mạng.
Đặc trưng của báo online là có sự tương tác nhanh, trực tiếp, đa chiều với bạn đọc và cũng là nơi bạn đọc "va chạm" với nhau khi nhìn nhận các vấn đề xã hội. Do đó cần coi cách đặt vấn đề và đưa tin của của báo rất quan trọng, có vậy mới nhận được những phản hồi/phản ứng chính xác từ bạn đọc. Luôn cẩn trọng trong việc này thì Tuổi Trẻ Online sẽ củng cố vị thế của mình vững vàng hơn.
Không chỉ phản ánh thời sự
Đồng thời bên cạnh tính thời sự trên diện rộng, tôi cũng mong muốn Tuổi Trẻ Online đào sâu hơn mảng tư liệu, hồ sơ dài kỳ, tổ chức tuyến bài về lịch sử văn hóa một địa phương hay một vùng đất, cung cấp thêm kiến thức khoa học cho bạn đọc một cách hấp dẫn.
Những bài phân tích về các sự kiện chính trị, kinh tế kinh điển của thế giới, về sự kiện quan trọng đang diễn ra ở các nước... giúp bạn đọc "bình dân" nâng cao nhận thức các vấn đề của xã hội hiện đại... Việc tổ chức diễn đàn trao đổi về những nội dung này là thiết thực xây dựng nền tảng dân trí của một xã hội dân chủ.
Tôi vẫn nghĩ, báo in sẽ không mất đi nhưng phải thích nghi với "thời đại mới". Sự ra đời và phát triển của Tuổi Trẻ Online là một thay đổi quan trọng của Tuổi Trẻ. Tròn 18 tuổi - độ tuổi thanh xuân tươi đẹp - xin chúc Tuổi Trẻ Online và Tuổi Trẻ luôn giữ được sức trẻ để đồng hành cùng sự phát triển ngày càng nhanh của xã hội, trong đó có cộng đồng bạn đọc thân thiết!
Nhân sinh nhật lần thứ 18 (1-12-2021), Tuổi Trẻ Online xin được chờ đón bài viết của bạn đọc bốn phương nói lên những tâm sự, kỷ niệm, cảm xúc của mình với tờ báo dành cho các bạn trong 18 năm qua; xin chờ đón những lời góp ý, ý tưởng, hiến kế, đặt hàng từ bạn đọc để chúng tôi phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, xứng đáng là "người bạn" của quý độc giả xa gần.
Mời bạn đọc gửi bài viết về email: bandoctto@tuoitre.com.vn, hoặc để lại bình luận dưới bài viết. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
TTO - Theo tôi, Tuổi Trẻ Online nên có thêm mục Nhân tài xứ Việt và Danh lam xứ Việt, giúp bạn đọc đi lại dòng lịch sử để tôn tạo niềm tự hào dân tộc, và đến được với mọi vùng đất của quê hương mến yêu.
Xem thêm: mth.3465352291111202-us-ioht-hna-nahp-ihc-nen-gnohk-enilno-ert-iout-uah-iht-neyugn-st/nv.ertiout