Bộ Ngoại giao Philippines ngày 19-11 cho biết chính phủ nước này trong cuộc họp về hàng hải giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây đã tái khẳng định phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016, hãng thông tấn Philippines (PNA) đưa tin.
Phía Manila đưa ra động thái trên tại Diễn đàn Biển Asean lần thứ 11 được tổ chức trực tuyến hôm 16-11, trùng ngày xảy ra vụ việc ba tàu hải cảnh Trung Quốc bị phía Philippines tố có hành vi gây rối tại Biển Đông.
Diễn đàn Biển Asean lần thứ 11. Ảnh: INQUIRER
Phát biểu tại sự kiện trên, ông Daniel Espiritu – trợ lý ngoại trưởng Philippines – cho biết Manila tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 như một khuôn khổ pháp lý giúp điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
“Philippines tuân theo cách tiếp cận dựa trên luật lệ ở Biển Đông, bao gồm việc khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông, hiện là một phần của luật pháp quốc tế” – ông Espiritu cho hay.
“Như Tổng thống (Rodrigo Duterte) của chúng tôi đã nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 gần đây, phán quyết về Biển Đông năm 2016 không tập trung riêng vào một bên nào cả và trên thực tế chỉ ủng hộ và mang lại lợi ích cho cộng đồng các quốc gia tuân thủ pháp luật bằng cách cung cấp sự rõ ràng cho tất cả mọi người, vốn là điều không thể thỏa hiệp được” – ông Espiritu nói thêm.
Tại Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần thứ 9 được tổ chức hôm 17-11, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề về biển và đại dương Philippines Maria Angela A. Ponce đã có bài trình bày trong một phiên họp về chủ đề “Duy trì hòa bình và duy trì một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Theo bà Ponce, với tư cách là một thành viên ASEAN, quan điểm của Philippines trong việc duy trì hòa bình và duy trì cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, đặc biệt là về Biển Đông, gắn liền với UNCLOS và phán quyết về Biển Đông năm 2016.
Cũng tại diễn đàn trên, ông Espiritu đã bày tỏ cam kết của Philippines trong việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Trước đó, Philippines ngày 18-11 đã lên án "mạnh mẽ" hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 16-11 khi dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Manila tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.