Thực thi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu-Việt Nam), thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng từ khi có EVFTA, nhưng doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết những cơ hội lớn tại thị trường tiềm năng này.
Nhiều mặt hàng tỉ USD tăng trưởng vững tại EU
Sau 1 năm thực thi EVFTA, bức tranh thương mại song phương Việt Nam - Châu Âu tăng trưởng lạc quan. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu (EU) 10 tháng năm 2021 đạt gần 32,2 tỉ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tháng 10.2021 đạt gần 3,35 tỉ USD, tăng 11,2% so với tháng liền kề trước đó và tăng 1,5% so với tháng 10.2020.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ EU 10 tháng đầu năm 2021 đạt 13,89 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu sang EU này trên 18,2 tỉ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Trần Thanh Hải - Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Sau hơn 1 năm thực hiện EVFTA, kết quả đạt được rất tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều gia tăng đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu sang EU đã duy trì tăng trưởng thường xuyên ở mức trên dưới 10%. Bên cạnh đó, một tín hiệu rất quan trọng trong việc thực hiện hiệp định này là các doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 tăng nhanh chóng.
“Chỉ trong 10 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã cấp 171.000 bộ C/O EUR1 với tổng kim ngạch lên đến 6,63 tỉ USD và chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu sang EU” - ông Trần Thanh Hải nói.
Còn theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hoá (Cục Xuất Nhập khẩu), mặc dù EVFTA có hiệu lực khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng hơn 18% so với trước khi hiệp định có hiệu lực.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đang xuất khẩu có nhiều lô hàng được cấp chứng nhận xuất xứ nhất là Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan - là những thị trường có các cảng biển nhập khẩu và là điểm trung chuyển, trung tâm phân phối của EU lan tỏa ra các thị trường khác trong khu vực.
EVFTA đã tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; giày dép; hàng dệt may…
Các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng có thêm nhiều cơ hội từ khi EVFTA được thực thi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chỉ giảm trong 2 tháng 8 và 9 do nhà máy chế biến phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch COVID-19, các tháng còn lại đều tăng trưởng tốt.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 15%. Tính tới 15.10.2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt gần 439 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tận dụng cơ hội trước áp lực cạnh tranh
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, trong 10 tháng qua, điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, đạt trên 6,13 tỉ USD, chiếm 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt gần 4,81 tỉ USD, chiếm 14,9%, tăng 3,2%. Ở các vị trí tiếp theo, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 10,3%, đạt 3,3 tỉ USD, tăng mạnh 47,5%; giày dép các loại chiếm 9,8%, đạt 3,15 tỉ USD, tăng 5%; hàng dệt, may chiếm 7,9%, đạt 2,53 tỉ USD, tăng 0,7%...
Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn nhiều lạc quan. VASEP nhận định, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa nên những tháng cuối năm nay, thị trường này rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt lợi thế này. Tuy nhiên, lợi thế này không kéo dài lâu bởi chỉ trong 6 tháng đến 1 năm tới, các chuỗi cung ứng mới sẽ đi vào ổn định, việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã xúc tiến đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian giãn cách, đang nỗ lực dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang EU, tận dụng thời cơ để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường tiềm năng này.
Đánh giá về vấn đề tận dụng cơ hội của EVFTA, ông Trần Thanh Hải cho rằng, hiện nay khả năng tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA của các doanh nghiệp đang rất tốt. Điều này cũng dễ hiểu vì DN đã có cơ sở vật chất cũng như mạng lưới liên kết giữa nơi sản xuất là Việt Nam với các thị trường tiêu thụ. Như vậy, DN cũng nắm rất rõ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thuế xuất hàng hóa để có thể tận dụng ưu đãi từ các hiệp định.
Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua một giai đoạn khá dài của tiến trình hội nhập cũng như tham gia nhiều FTA nhưng với một số DN mới tham gia thị trường và kể cả một số DN tham gia thị trường tương đối lâu thì vẫn chưa có cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề hội nhập cũng như tận dụng cơ hội từ tiến trình này. Và đâu đó vẫn xuất hiện một tâm lý cho rằng việc tận dụng được ưu đãi từ các FTA là khó khăn. Đây là tư duy các DN cần phải xóa bỏ.
Xem thêm: odl.237579-iam-gnouht-gnourt-gnat-ed-gnud-nat-nac-ioh-oc-atfve-iht-cuht-man-1/et-hnik/nv.gnodoal