Khoa Trần (áo trắng) có hơn 14.000 người theo dõi trên Instagram - Ảnh: VBA
Bóng rổ Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong vài năm gần đây nhưng chưa thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng cho cầu thủ. Vì thế, những cầu thủ gốc Việt đã gặp không ít khó khăn khi trở về cống hiến cho quê hương.
Kiếm thêm việc làm để trang trải cuộc sống
Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) chỉ diễn ra trong vài tháng nên cũng mang về dòng tiền ổn định trong thời gian đó. Thời gian còn lại trong năm, Khoa Trần phải tự lo cho cuộc sống tại Việt Nam.
Thế nên khi từ Mỹ về quê hương theo tiếng gọi của bóng rổ, chàng cầu thủ gốc Việt 19 tuổi này đã phải đối mặt với nhiều vấn đề và quan trọng nhất vẫn là tài chính.
"Khoa thấy nếu chỉ chơi bóng rổ thì không đủ lo cho cuộc sống. Mình phải kiếm các việc khác làm thêm để có tiền, như tham gia các chương trình truyền hình chẳng hạn. Thu nhập từ các việc như ‘đi show’ như vậy tuy không nhiều nhưng cũng có thêm thu nhập", Khoa Trần tâm sự.
Ngoài việc tham gia các sự kiện và chương trình phát sóng trên truyền hình, Khoa còn lập một kênh YouTube cá nhân để chia sẻ về sinh hoạt của một cầu thủ chuyên nghiệp với những người hâm mộ anh.
Không chỉ Khoa, những ngôi sao nhiều năm tại VBA như Tâm Đinh, Justin Young, Stefan Tuấn Tú cũng có nghề tay trái như làm mẫu ảnh, dự sự kiện, mở trung tâm huấn luyện... để có thêm thu nhập nuôi dưỡng đam mê.
Đơn độc và nhớ gia đình
Khoa Trần không ít lần bị chấn thương - Ảnh: VBA
Hành trình bóng rổ tại Việt Nam của Khoa Trần (mà cụ thể là tại VBA) không hề dễ dàng. Do đặc thù thi đấu đối kháng, nhịp độ trận đấu nhanh dễ dẫn đến va chạm nên hậu vệ sinh năm 1997 đã từng đổ máu do chấn thương mí mắt và chân.
Khoa nói: "5 lần bị ‘dính’ cùi chỏ, 1 lần bị chảy máu ở mắt phải do va chạm với chính đồng đội của mình. Khoa có nhiều vết thương như vậy nên quen rồi".
Không chỉ một mình vượt qua nỗi đau trên sân, cầu thủ áo số 3 này còn phải tự đối mặt và xử lý những bất ổn tâm lý vì xa gia đình. Cùng với đó là cảm giác đơn độc với đam mê vì không ai trong gia đình từng thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp nên người thân không chia sẻ được những gì anh đang trải qua.
"Gia đình của Khoa đang ở Mỹ, Khoa chỉ ở đây một mình. Cũng nhớ ngoại, nhớ gia đình nhưng vì đam mê bóng rổ nhiều quá nên phải như vậy", Khoa tâm sự.
Dù khó khăn nhưng tài năng cùng sự cố gắng đã giúp Khoa phát triển đam mê. Sau khi khẳng định mình trong màu áo CLB nổi tiếng Saigon Heat tại VBA, anh trở thành thủ quân đội bóng phố biển Nha Trang Dolphins tại VBA 2020.
Khoa Trần sẽ khoác áo tuyển Việt Nam tại SEA Game 31 - Ảnh: VBA
Trong hành trình đó, dấu son trong sự nghiệp của Khoa là cùng tuyển Việt Nam giành HCĐ lịch sử tại SEA Game 30. Đây là lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam bước lên bục huy chương ở sân chơi khu vực với công lao không ít của những ngôi sao gốc Việt như Khoa.
Chàng hậu vệ tuyển Việt Nam chia sẻ: "Khoa đã chơi bóng rổ cả đời rồi và nó là lý do khiến Khoa ở đây lúc này. Khoa chỉ hy vọng những điều tốt đẹp nhất và mong bóng rổ sẽ mang Khoa đi xa".
Ở hiện tại, Khoa Trần tiếp tục được tin tưởng và triệu tập lên tuyển Việt Nam cho mục tiêu đổi màu huy chương tại SEA Game 31 năm sau. Bên cạnh ước mơ này, mục tiêu của riêng Khoa lại đơn giản hơn nhiều.
Đó chỉ là tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ gia đình mình: "Mẹ không muốn Khoa về Việt Nam chơi bóng rổ, muốn Khoa ở lại Mỹ đi học. Nhưng bây giờ mẹ đã đổi ý và cho Khoa về Việt Nam chơi bóng. Ước mơ của Khoa là một lần cả gia đình Khoa về Việt Nam xem Khoa thi đấu. Nếu như vậy Khoa sẽ rất vui".
Xem thêm: mth.11294608002111202-man-teiv-iat-gnob-iohc-coud-ed-meht-mal-iahp-teiv-cog-uht-uac/nv.ertiout