Trong hai ngày 18, 19-11, Đoàn công tác của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) đã có buổi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888) tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) làm trưởng đoàn.
Tại Hải Phòng, tám Đội QLTT đã đồng loạt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, hộ kinh doanh trên toàn thành phố.
Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hải Phòng) kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng "Thắng Sport". Ảnh: DMS
Với 15 điểm kinh doanh được kiểm tra trong ngày 19-11, lực lượng QLTT TP. Hải Phòng đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm thời trang, giày dép, balo, túi xách, mắt kính… gắn các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Adidas, Nike, CK, Channel….
Đơn cử như khi kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng "Thắng Sport", đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cửa hàng thừa nhận cơ sở nhập hàng hóa từ chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
Vì số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lớn, trong ngày 20-11, các Đội QLTT tiếp tục làm việc để kiểm đếm, phân loại và liên hệ chủ thể quyền để xác định các dấu hiệu vi phạm, định giá hàng hóa vi phạm, từ đó xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: DMS
Cũng trong ngày 19-11, làm việc với đoàn công tác Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng, cho biết từ tháng 6-2021 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành tuyên truyền, ký cam kết với 582/1.260 cở sở. Kiểm tra, giám sát, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm.
Ông Hưng thẳng thắn chia sẻ, thực tế triển khai việc tuyên truyền hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các chợ gặp nhiều khó khăn. Đa số các cá nhân kinh doanh này đều không nắm được các quy định, giấy tờ, hóa đơn chứng từ cần có của mình theo quy định pháp luật trong kinh doanh. Họ chỉ hiểu kinh doanh đã đóng thuế cho nhà nước và các khoản phí của Ban Quản lý chợ đầy đủ là kinh doanh hợp pháp.
Những điều này dẫn đến sự phản ứng thái quá đối với các tổ công tác tuyên truyền. Từ đó dẫn đến việc tổ chức ký cam kết chưa có hiệu quả cao, chưa đạt mục tiêu đề ra trong kế hoạch.
Đoàn công tác làm việc với Cục QLTT Quảng Ninh. Ảnh: DMS
Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT khẳng định, Cục sẽ tổng hợp, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Tổng cục để có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những vướng mắc mà Hải Phòng nói riêng và các đơn vị trong lực lượng đang gặp phải.
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Đình Hưng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Quảng Ninh cho biết kể từ khi Kế hoạch 888 được ban hành vào tháng 3-2021, tính đến giữa tháng 11, Cục QLTT Quảng Ninh đã kiểm tra, kiểm soát 101 vụ, xử phạt 93 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hơn 700 triệu đồng.
Cục cũng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và có 60% cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền…
"Sau 8 tháng triển khai Kế hoạch, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát, không để hình thành các điểm nóng" - đại diện Cục QLTT Quảng Ninh đánh giá.