Phân tích sự trỗi dậy rồi suy tàn của Đế chế Inca trên khía cạnh lãnh đạo điều hành, kết hợp với những kinh nghiệm kinh doanh từ chính bản thân, từ những buổi phỏng vấn với những quản lý cấp cao đến từ các tập đoàn quốc tế, những doanh nghiệp gia đình, những mô hình khởi nghiệp, các công ty tư vấn, những tổ chức công và phi chính phủ; hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams đã mang đến cho độc giả cuốn sách hấp dẫn "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại".
Ở thời kỳ hoàng kim, những người đứng đầu Inca đã gây dựng được một đế chế rộng hơn 5.000 km dọc theo dãy Andes, tính từ nơi hiện giờ là Ecuador ở phía bắc cho đến Chile ở phía Nam, với hơn 200 dân tộc sinh sống. Trong khi đại dịch và nạn đói đang hoành hành khắp châu Âu, người Inca đã biết cách tạo ra thặng dư nhờ kĩ thuật nông nghiệp vượt trội, xây dựng những kho tích trữ lương thực, chăm sóc cho người bệnh và cả những gia đình đã mất đi trụ cột tài chính…
Tuy nhiên, sau gần một thế kỷ hưng thịnh, mâu thuẫn nội tại đã đẩy nền văn minh Inca đến bờ vực diệt vong. Cuộc nội chiến tại Inca đã diễn ra vào năm 1527, khi Huayna Cápac chia đôi vương quốc và giao cho hai người con trai cùng cha khác mẹ là Atahualpa và Huáscar cai quản. Cả hai anh em đã nhờ đến sự giúp đỡ từ những bộ lạc bên phía đằng ngoại và các đồng minh khác để tiến hành các cuộc chiến nhằm tranh giành lãnh thổ của nhau, khiến đế chế bị suy yếu nặng nề.
Năm 1532, Đế chế Inca rơi vào tình trạng vô cùng thảm hại khi bị đội quân vỏn vẹn vài trăm binh sĩ của nhà thám hiểm, chinh phục Francisco Pizarro đánh bại và bắt sống vua của Inca lúc bấy giờ là Atahualpa. Chỉ vài năm sau Đế chế Inca tan rã. Vị vua cuối cùng của triều đại Inca trở thành là con rối trong tay người Tây Ban Nha, đến năm 1572, ông bị hành quyết.
Nokia, tập đoàn điện thoại di động từng nắm giữ tới 35,8% thị phần điện thoại di động trên toàn thế giới vào những năm 2000, cũng bị sụp đổ vì mâu thuẫn nội bộ và tầm nhìn sai lệch của lãnh đạo cấp cao. Năm 2007, dưới sự nắm quyền của Olli-Pekka Kallasvuo, nội bộ ban giám đốc Nokia đã xảy ra mâu thuẫn và tranh cãi nghiêm trọng giữa một bên khăng khăng đòi đổi hướng chiến lược từ việc sản xuất điện thoại di động giá rẻ sang điện thoại thông minh và bên còn lại phản đối sự thay đổi này. Cuối cùng kết cục của Nokia cũng giống hệt như Đế chế Inca, đó là trượt dài vào thất bại và bị quên lãng chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Đưa ra và phân tích thêm về hàng loạt những tổ chức doanh nghiệp từng có thời gian là mưa gió trên thị trường như Kodak, Daimler, AOL, Pan Am, Woolworth… hai tác giả cuốn sách đã chỉ ra thực tế: rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã thất bại thảm hại, thậm chí bị xóa sổ hoàn toàn vì bị rơi vào bẫy ảo tưởng về khả năng của mình. Điều đáng nói hơn nữa là các tác giả cuốn sách "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" còn đưa ra nhiều kiến giải, lời khuyên hữu ích giúp các chủ doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn nhận ra và tránh được cạm bẫy nguy hiểm này.
"Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" gồm 8 chương sách. Ở chương 1 của cuốn sách, các tác giả sẽ giúp người đọc nhận ra ở thời điểm nào thì tầm nhìn thiên về cảm xúc của doanh nghiệp sẽ phản tác dụng? Chương 2 là học tập thành công của Đế chế Inca trong việc giao trọng trách lãnh đạo cho những người tài năng nhất để liên tiếp đạt được thành công – điều mà ngày nay rất nhiều doanh nghiệp không làm được? Chương 3 cuốn sách cung cấp thông tin về các tố chất làm nên một lãnh đạo tốt.
Trong chương 4 của cuốn sách, người đọc sẽ biết tại sao những cá nhân hay tổ chức cố tình phớt lờ lằn ranh trong giá trị của doanh nghiệp thì sẽ phải trả giá thích đáng cho lỗi lầm của chính mình. Chương 5 "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" giúp người đọc nhìn nhận lại hệ thống, sự tập trung, mức độ hiệu quả của tổ chức khi phải đương đầu với đối thủ thực sự.
Trong chương 6, các tác giả sẽ giúp độc giả tìm hiểu kĩ hơn lý do vì sao những thương vụ sáp nhập khổng lồ như của Daimler và Chrysler lại có thể thất bại thảm hại đến vậy. Sau đó khám phá những điều mà các nhà quản lý doanh nghiệp hiện đại có thể học hỏi được từ nền văn minh Inca và phương thức tiếp cận bài bản để đạt được sự thống nhất toàn vẹn.
Chương 7 "Phán đoán đúng đắn" đưa ra các chỉ dẫn giúp các tổ chức, doanh nghiệp ngày nay tránh đi những xung đột quyền lực giống như những xung đột đã từng đẩy Đế chế Inca vào diệt vong? Khi phải đối mặt với vấn đề tư lợi và thiên vị, những nhà quản lý có thể làm gì để luôn bình tĩnh và đưa ra những quyết định khách quan?
Câu chuyện của DaimlerChrysler chính là ví dụ hoàn hảo cho cái tôi cao ngạo của một giám đốc điều hành cấp cao trong một chiến lược sáp nhập đầy lỗ hổng. Độc giả sẽ được tìm hiểu sâu hơn về những chiếc bẫy này và nhận thấy quá trình này khó khăn ra sao ở Chương 8 của cuốn sách (Khi cái tôi đánh bại thực tế). Theo các tác giả, không một nhà quản lý tự tin và khôn ngoan nào không có một cái tôi lớn cả. Vì vậy thách thức đặt ra là: Làm thế nào để ngăn bản thân không vượt qua lằn ranh giữa tham vọng và cái tôi, giữa tầm nhìn xa trông rộng và sự ảo tưởng thái quá?
Mỗi chương cũng bao gồm một "bài kiểm tra năng lực" giúp độc giả có cái nhìn trung thực về nội bộ doanh nghiệp và chính bản thân người lãnh đạo.
Vì vậy, có thể nói "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" là một cuốn sách vô cùng hữu ích với bất cứ người chủ cũng như nhà lãnh đạo cấp cao nào muốn duy trì sự phát triển bền vững lâu dài cho tổ chức, doanh nghiệp của mình.
Các tác giả sẽ cung cấp cho người đọc những bài học quý giá, hữu ích để trở thành một ông chủ, nhà lãnh đạo có thể duy trì được sự thành công của doanh nghiệp trong thời đại số hóa và nhiều biến động như hiện nay.
Nhận xét về cuốn sách, Giáo sư Tiến sĩ Peter May, Cố vấn Doanh nghiệp Gia đình Hàng đầu của Đức viết: "Táo bạo, thách thức, phong phú và đồng thời rất thú vị và nhiều thông tin! "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" là cuốn cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp muốn kiếm tìm sự thành công bền vững".
Andreas Krebs là một nhà quản lý chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực quản lý ở các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời ông cũng là một diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo, toàn cầu hóa và quan hệ công chúng. Ngoài ra, Andreas còn sở hữu một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm là Longfield Invest, tập trung chủ yếu vào những dự án non trẻ và những công ty phát triển trong nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Paul Williams là nhà quản lý, huấn luyện viên điều hành đồng thời là doanh nhân có kinh nghiệm quốc tế. Từ năm 2003, ông trở thành đối tác của công ty tư vấn Paul Williams & Associates, chuyên về huấn luyện lãnh đạo, quản lý bản thân và phát triển tổ chức.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị