Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa nơi ba tôi yên nghỉ - Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp
Tết này, má gần chạm cái tuổi 80. Chừng tuổi ấy, bao người bệnh tật hoặc đoàn tụ theo ông bà, nhưng má vẫn khỏe mạnh một cách lạ thường. Ngôi nhà ven con sông Vàm Cỏ, ấp 1A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa (Long An) bao đời nay vẫn không có nhiều thay đổi.
Dòng nước trong xanh, ruộng vườn tươi tốt, cuộc sống dân nông thôn ngày càng khấm khá, đó cũng là lý do mà má chẳng chịu rời nơi chôn nhau, cắt rốn.
"Tụi bây cứ ở thành thị lo làm ăn, tao ở đây, mỗi tháng con cháu tụ tập dìa đầy đủ đó là niềm vui. Dịch bệnh kỳ rồi, 4 tháng không nhìn thấy mặt đứa nào tao buồn lắm" - má nói.
Bồi hồi má nhớ lại, chiến tranh qua đi, ba vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hồi ấy bà chưa tròn 30, một mình sớm hôm tần tảo nuôi 3 anh em chúng tôi khôn lớn cho tới ngày trưởng thành. Tình thương vô bờ bến như nhắc anh em tôi ở đâu, làm gì, nơi quê nhà có bà mẹ già vẫn chờ đợi các con
Bốn mùa dịch bệnh là những tháng năm má cứ lo toan cho hết đứa này tới đứa khác: "Các con phải hạn chế ra ngoài, cố gắng giữ sức khỏe, đừng đứa nào "dính" thì khổ thân nghe chưa".
Tính má lo xa là vậy, dù bà vẫn biết rõ, kiến thức chưa thể hơn đám nhỏ thời đại bây giờ.
Dù sợ dịch giã, sợ bệnh lây lan, khi mai vàng bắt đầu khoe cánh, má một hai phải đi thăm ba cho bằng được.
Sáng 6-2-2020 (25 tháng chạp), tôi đưa má đến viếng ba trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa (Long An). Trời bắt đầu nắng lên, dòng người mỗi lúc một đông bước qua cánh cổng rộng, sau đó rẽ vào địa chỉ quen thuộc mà mỗi năm họ đều ghé qua vài ba lần.
Ngày cận Tết, ngôi mộ nào cũng được quét vôi màu trắng, trước tấm bia ghi tên liệt sĩ đã cắm nhánh hoa vạn thọ, chai nước, xung quanh nhang khói đều nghi ngút.
Có mặt thăm viếng thời điểm này là cha là mẹ, vợ chồng, con và kể cả những đứa cháu chưa hề biết ông bà nằm dưới đó như thế nào. Bao trận đánh oanh liệt thời chiến tranh, ai còn sống đeo đầy huân, huy chương, người hy sinh cuối cùng gom lại chỗ này: nghĩa trang.
Mấy mươi năm trôi qua, gần giỗ ba và ngày tảo mộ, bà thường nhắn về để chở má đi thăm…chồng.
Ngồi sau xe máy mà bà cứ nhắc đi nhắc lại cái câu mà tôi gần như thuộc lòng: "Mày giống cha như đúc, thẳng tính, nói tới đâu làm tới đó, chính vì vậy hay mích lòng mọi người".
Câu nói rất đúng, trong suốt cuộc đời binh nghiệp, đôi lúc tôi trở thành kẻ cô độc một thân, một mình giữa dòng người giống như cái máy.
Phần mộ ở trên sáng đẹp, nằm sâu bên dưới chắc xương cốt giờ tan mất chỉ còn lại nắm đất nhuộm màu xám xịt. Vậy mà má cứ ngồi thẫn thờ ở đó rất lâu, bàn tay nhăn nhúm vuốt lên tấm bia ghi đầy đủ tên ba.
Ngôi mộ ghi tên liệt sĩ của ba tôi trong nghĩa trang
Một lúc sau bà còn lấy khăn cẩn thận lau sạch bụi xung quanh trước khi đặt lọ hoa tươi, trái cây, bánh ngọt lên cái bàn "dã chiến". Đốt bó nhang, giấy vàng bạc, má thì thầm khấn vái: "Ông ăn đi, rồi lấy tiền theo mà xài, ráng phù hộ cho con và cháu nội, dịch bệnh cũng qua đi để tụi nó còn làm ăn, thường xuyên về thăm ông".
Lắng nghe từng lời nói, lòng tôi như thắt lại, tình cảm má dành cho ba, người đã đi xa mấy chục năm vời vợi giống như mới ngày hôm qua. Nước mắt tôi lưng tròng, miệng chát ngắt vì vị mặn, ba ơi có nghe lời má thủ thỉ không.
"Má không nói ba luôn phù hộ cho má sống lâu cùng con cháu" - tôi nhắc.
Bà ứ ừ rồi trả lời thật nhanh, tao quên, hồi nãy sao mầy không nói sớm.
Trời bắt đầu nắng khá gay gắt. Má giục, thôi về đi con, ba mầy chắc giờ cũng lo đi ngủ trưa rồi. Má nói mà nước mắt rưng rưng của tuổi già.
Ngồi lên xe bỗng bà chợt nhớ rồi vui vui, tao mới lãnh trợ cấp thân nhân liệt sĩ 2 tháng gần 3 triệu đồng, tiền này dư ăn cái Tết rồi. Nghe vậy, trong lòng tôi sao cứ buồn rười rượi, má ơi mọi thứ có tụi con ở đây rồi.
Giờ đây má đã già. Bước đi bà đã chậm chạp, đôi mắt mờ nhiều, mái tóc giờ bạc trắng, lại còn nay bệnh, mai đau do trái gió trở trời. Cảm giác lo lo mà anh em chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến, một ngày nào đó má sẽ về đoàn tụ cùng ba, bỏ lại đàn con cháu.
Tết năm nay, anh em chúng tôi cùng con cháu quyết định nấu nhiều món ăn mà má hay kể, ba tụi bây thích canh chua khóm cá lóc, cá rô khô tiêu, rau hẹ... mâm cơm sẽ bày cúng rồi cả nhà ngồi ăn cho má vui với... chồng.
Sao này tao mất, chỉ tiếc một điều là không được nằm gần ba tụi bây. Tôi quay đi, cố nén giọt nước mắt chảy dài. "Má ơi, còn 5 ngày nữa tới giờ khắc giao thừa".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Huế mưa. Trời như chảy những sợi buồn vắt ngang qua cõi nhớ. Giữa muôn trùng cách ly phong tỏa, kiếp tha phương lại càng cô đơn hơn. Từ căn phòng trọ trông ra, mưa mịt mù bao phủ. Người ta bắt đầu đưa đồ đạc lên cao để đón đợt lũ mới.
Xem thêm: mth.97874723102111202-gnohc-maht-id-am-ohc/nv.ertiout