Trồng các loại hoa quanh bờ để thu hút các sinh vật có lợi tiêu diệt sâu bệnh trên lúa đang được nông dân thực hiện theo mô hình "ruộng lúa bờ hoa".
"Ruộng lúa bờ hoa" giúp tiết kiệm 3 triệu đồng/ha
Vụ thu đông năm 2021, nông dân Kiều Văn Liền, ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu huyện An Phú (An Giang) canh tác lúa theo mô hình sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” trên diện tích gần 2ha. Kết quả vụ thu hoạch vẫn cho năng suất ổn định, trong khi chi phí giảm.
“Nhờ rồng hoa trên bờ ruộng, tôi đã giảm được khoảng gần 3 triệu đồng/ha nhờ ít phải phun thuốc trừ sâu, rầy”- ông Kiều Văn Liền chia sẻ.
Không riêng gì tại An Giang, nhiều nông dân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng áp dụng mô hình này để cắt giảm chi phí, đồng thời tạo thêm cảnh đẹp làng quê.
Tại huyện Tân Phước (Tiền Giang), rất nhiều nông dân trồng lúa theo mô hình này. Anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Tân Vinh, xã Tân Hòa Thành) chia sẻ: Giá phân bón, thuốc bảo vệ hiện đang tăng quá cao, nên “ruộng lúa bờ hoa” là cách làm hay để giảm chi phí. Trước đây không trồng hoa trên bờ, mỗi vụ gia đình anh phải 7-8 lần phải xịt thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh, chi phí đến vài triệu đồng/ha, nay “ruộng lúa bờ hoa” không những giúp giảm được chi phí này, còn tạo ra những cánh đồng quê nhiều màu sắc rất đẹp.
Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” cũng đang lan ra nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các vùng xây dựng nông thôn mới. Ông Đường Minh Ngà (đội 4 xã Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An) cho biết: Gia đình ông trồng 3ha lúa, sau khi xuống giống khoảng 2 tuần, sẽ tiến hành trồng các giống hoa dọc theo bờ ruộng. Những loài hoa thu hút thiên địch nhiều nhất là hoa sao nhái, cúc đồng tiền, đậu biếc, hướng dương, vừng (mè), xuyến chi, cúc…
“Khi hoa nở rộ, hương thơm và màu sắc của hoa thu hút nhiều loại thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh, nhện… quây tụ. Các loại thiên địch này tiêu diệt rầy nâu, sâu cuốn lá, giúp không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng” – ông Ngà nói.
"Ruộng lúa bờ hoa" nên trồng đại trà trên cả nước
“Ruộng lúa bờ hoa” không phải là chương trình mới, mà đã được áp dụng từ năm 2010, nằm trong chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” do Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở vụ lúa Đông Xuân 2009–2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang.
Đây là mô hình kết hợp việc trồng hoa trên bờ ruộng giúp thu hút các loài côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản và làm gia tăng quần thể thiên địch góp phần hạn chế sâu rầy, bảo vệ lúa. Ngoài ra còn giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí cho người nông dân, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Trong thời gian gần đây, mô hình này ngày càng được ứng dụng rộng rãi và thu được nhiều kết quả khả quan.
Các loại hoa được trồng quanh bờ ruộng rất đa dạng, nhưng đặc biệt hoa trắng và hoa vàng có nhiều phấn, thu hút các thiên địch đến và tấn công sâu hại ở trên đó. Vì vậy, ruộng lúa luôn được an toàn. Những thiên địch như nhện, bọ rùa,… ăn các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, rầy, nhện gié,… giúp nông dân giảm được rất nhiều lượng thuốc trừ sâu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong thời điểm giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao hiện nay, mô hình này giúp bà con nông dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nên được thực hiện rộng rãi trên cả nước.
Bên cạnh đó, để giảm thấp giá thành sản xuất hơn nữa, nông dân có thể kết hợp biện pháp “1 phải 5 giảm” như: Giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ kết hợp hài hòa các yếu tố, nông dân có thể giảm được 1-2 cữ phân và thuốc bảo vệ thực vật mà lúa vẫn đạt năng suất cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), vụ thu đông năm 2021, trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang, mô hình áp dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” được triển khai với diện tích hơn 50ha theo 3 mô hình trên cây lúa và 3 mô hình trên cây ăn quả, rau màu. Mô hình này có tác dụng dẫn dụ một số loài thiên địch có lợi để khống chế sâu hại trên ruộng lúa, qua đó giảm thiểu số lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng.
Xem thêm: odl.098579-atceh-iom-nert-gnod-ueirt-gnah-nad-gnon-ohc-meik-teit-aoh-ob-aul-gnour/et-hnik/nv.gnodoal