Hãng thông tấn Philippines (PNA) đưa tin Đại sứ quán Nhật tại Philippines ngày 20-11 cho biết họ "cực lực phản đối" bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi phía Philippines hôm 18-11 đã lên án "mạnh mẽ" hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc khi dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Manila tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AFP
"Nhật cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông" - Đại sứ Nhật tại Philippines Kazuhiko Koshikawa viết trên trang Twitter.
"Việc tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông năm 2016 và nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực" – ông Koshikawa nhấn mạnh.
Cùng ngày, trên trang Twitter, Đại sứ Úc tại Philippines Steven J.Robinson hôm 20-11 khẳng định: “Úc luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với UNCLOS, Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông năm 2016 và một khu vực bao trùm và rộng mở”.
“Chúng tôi tiếp tục làm việc và hỗ trợ các đối tác Philippines trong các vấn đề hàng hải và bày tỏ lo ngại về các sự cố gây mất ổn định gần đây ở Biển Đông” – ông J.Robinson viết.
Ngày 20-11, bà Amanda Milling – Bộ trưởng Văn phòng châu Á, Ngoại giao, Thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh – đã bày tỏ sự quan ngại về "những sự cố gần đây" làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tuy nhiên, bà Milling không đề cập trực tiếp các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc liên quan vụ việc bãi Cỏ Mây.
"Rất vui khi tái khẳng định tầm quan trọng của Vương quốc Anh gắn liền với UNCLOS và một Biển Đông ổn định, thịnh vượng tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại Hà Nội trong tuần này” – bà Milling bày tỏ.
“Tôi lo ngại về những vụ việc gần đây làm gia tăng căng thẳng và phản đối các hành vi cản trở việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình" – bà Milling nói thêm.
Ngày 19-11, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc leo thang căng thẳng đối với Philippines ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ bảo vệ Manila trong trường hợp đồng minh bị tấn công.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố hành động của Bắc Kinh “làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm tự do hàng hải tại Biển Đông vốn được đảm bảo theo luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến trật tự quốc tế dựa trên quy tắc”.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 18-11 đã nêu rõ lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung, là rõ ràng và nhất quán.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực"- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.