Theo kế hoạch vụ đông 2021, miền Bắc sẽ thực hiện gieo cấy diện tích khoảng 400.000ha với sản lượng ước đạt 4,6 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt từ 34 đến 35 nghìn tỉ đồng, trong đó tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, bám sát vào nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm rau củ khu vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm trong bối cảnh bình thường mới, sáng ngày 20/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với 10 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trần Thanh Nam đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Sản lượng rau vụ đông, nhiều tín hiệu khả quan từ các vùng gieo trồng
Từ điểm cầu Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ đông ở Ninh Bình là hơn 5.000ha, trong đó 3.000ha là các loại rau- đậu.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, bất chấp tình hình dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tiêu thụ nông sản trên địa bàn từ đầu năm tới nay không lâm vào tình trạng ùn ứ, giá thành vẫn giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, đầu vụ đông diễn ra mưa lớn khiến nhiều diện tích gieo trồng rơi vào tình trạng ngập úng làm giảm sản lượng thu hoạch, diễn biến thời tiết trên đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến giá cả ngành hàng.
Báo cáo sau đó của các tỉnh Nam Định; Hà Nam cũng đều rất khả quan khi diện tích gieo trồng và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT 2 tỉnh, vấn đề chung của sản xuất nông nghiệp hiện nay là khôi phục mạng lưới kết nối, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Tỉ lệ tăng trưởng ngành nông nghiệp Nam Định hàng năm giữ ở mức ổn định là 3%, phát triển đồng đều giữa tất cả các ngành hàng. Sản lượng lương thực ước đạt 900 nghìn tấn, rau củ quả trên 300 nghìn tấn, thịt các loại 187 nghìn tấn/năm…Không những dư thừa cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, Nam Định còn là địa phương quan trọng, cung cấp chuỗi lương thực, thực phẩm cho thành phố Hà Nội.
Tỉnh cũng đã xây dựng được 33 chuỗi liên kết giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, Nam Định đã có 146 sản phẩm OCCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao và trên 100 cơ sở chăn nuôi- trồng trọt đạt tiêu chuẩn VIETGAP.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, xác định vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển mạnh khu vực sản xuất này. Toàn tỉnh hiện có trên 4.500ha diện tích rau củ quả với sản lượng dự kiến 100.000 tấn và khoảng 6.000ha cây ăn quả (chủ yếu là chuối, bưởi các loại) cho thu hoạch xấp xỉ 40 nghìn tấn.
Logictics, thủ tục hành chính vẫn là khó khăn lớn nhất
Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đều bày tỏ mong muốn hợp tác để mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như đa dạng hóa nguồn hàng. Tuy nhiên, nhiều rào cản cần sớm được khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart cho biết, đơn vị này hiện có hệ thống thu mua tại 63 tỉnh thành với hơn 1.000 nhà cung cấp nhưng sản phẩm của các đơn vị vừa và nhỏ luôn được ưu tiên, bởi đây là khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Rào cản lớn nhất hiện nay khiến các sản phẩm nông sản khó gia nhập vào hệ thống phân phối của các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ uy tín là vấn đề sơ chế, chế biến đóng gói.
Bà Hằng bày tỏ mong muốn các địa phương quan tâm hơn nữa đến khâu quan trọng này khi cho rằng, tập trung sản phẩm về một đầu mối sơ chế đóng gói sẽ tích hợp đa lợi ích, đồng nhất được tiêu chuẩn sản xuất, qua đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho bà con nông dân cũng như rút ngắn thời gian thu mua, phân loại của doanh nghiệp.
Một thực trạng nữa được bà Hằng nêu ra, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai công tác đầu tư, xây dựng cơ sở tại các địa phương. Việc chậm trễ, kéo dài thời gian khi giải quyết các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Giám đốc bộ phận XNK Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thagri, ông Trần Phương Minh nhận xét: “Về mặt chất lượng, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của một số thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ và EU. Tuy nhiên, hạn chế trong hệ thống Logistics cũng là nguyên nhân khiến tỉ trọng xuất khẩu của nông sản Việt Nam chưa được như kỳ vọng”
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, đưa ra 4 tiêu chí quan trọng đối với các sản phẩm nông sản của hệ thống phân phối này.
Thứ nhất, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Thứ hai, sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.
Thứ ba là áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi.
Thứ tư là có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng tình với ý kiến tham luận của một số đại diện doanh nghiệp, Thạc sĩ Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh về vai trò của hệ thống Logistics trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ nền sản xuất kế hoạch- sản lượng sang kinh tế nông nghiệp, nhưng từ đó cũng bộ lộ khiếm khuyết trong hệ thống hạ tầng logictics, khiến cho nhiều sản phẩm gặp khó trong việc tiêu thụ và tiếp cận thị trường cả trong lẫn ngoài nước.
“Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ có chủ trương đẩy mạnh phát triển hạ tầng logictics nhằm tạo liên kết tốt nhất để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nông sản”, ông Hồ cho biết thêm.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự vui mừng với thành công của Hội nghị ngày hôm nay, đồng thời cho biết, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh việc xây dựng hành lang nông sản an toàn trên cả nước và mở rộng ra cả nước ngoài.
Hội nghị cũng đã đem lại kết quả thực tế khi 5 biên bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa một số đơn vị sản xuất và phân phối.