Doanh nghiệp muốn xây 10 triệu nhà ở xã hội 5 sao
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC chia sẻ, hiện nay có một thực tế là nhà ở thương mại cho người giàu thì dư thừa, nhà ở cho người thu nhập thấp thì thiếu trầm trọng.
Doanh nghiệp đề xuất muốn xây 10 triệu nhà ở xã hội tiêu chuẩn 5 sao cho người thu nhập thấp, mức giá từ 8-18 triệu đồng/m2, tùy từng tỉnh. (Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Thư) |
Bên cạnh đó, theo ông Huy, thời gian dịch bệnh vừa qua, chúng ta đã chứng kiến cảnh hàng triệu người lao động di cư ngược từ các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội quay trở về các vùng miền địa phương, đây là vấn đề toàn xã hội cần chung tay giải quyết.
Chính vì những lẽ đó, APEC đã quyết định thành lập Tổng công ty đầu tư phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam với tổng vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng nhằm xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao, cung cấp nhà ở cho 40 triệu dân trong giai đoạn 2021 – 2030.
“Chúng tôi gọi tên thương hiệu là Happy City - Đô thị hạnh phúc. Sản phẩm là các khu đô thị nhà ở xã hội đẳng cấp 5 sao đáp ứng 5 tiêu chí về chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, quản lý vận hành thông minh và đầu đủ tiện ích đa dạng. Quy mô đầu tư trọng tâm tại Hà Nội và TP HCM với mỗi khu đô thị từ 100-300ha, các tỉnh thành phố khác từ 50-100ha.
Giá bán dự kiến tại Hà Nội và TP.HCM là 12-18 triệu đồng/m2, các tỉnh thành khác giá bán 8-14 triệu đồng/m2. Chúng tôi tin rằng, mức giá này rất hợp lý, nhưng lại chất lượng, đáp ứng cho người dân một khu đô thị đẳng cấp nhưng vừa túi tiền”, ông Huy cho hay.
Đơn vị này dự kiến sẽ phát triển các căn hộ có diện tích từ 25-75m2, sẽ có từ 1 đến 3 phòng ngủ, tùy diện tích. Đáng chú ý, đề án có tham vọng sẽ phát triển đại đô thị nhà ở xã hội không chỉ đẹp mà còn đầy đủ các tiện ích về giáo dục, sức khỏe, thương mại, vui chơi giải trí...
Mục tiêu phát triển 10 triệu căn NOXH 5 sao được tập đoàn chia làm 2 giai đoạn; trong đó, từ năm 2021 - 2025 hoàn thành 4 triệu căn hộ và 6 triệu căn hộ còn lại sẽ hoàn thành từ năm 2026 – 2030. Đề án cho cuộc đại cách mạng về nhà ở xã hội này đã được APEC kiến nghị, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Giải quyết bài toán quỹ đất, vốn thế nào?
Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian chưa đạt kế hoạch, doanh nghiệp không mặn mà tại tọa đàm đại cách mạng nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Thứ hai là vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Thứ ba là quỹ đất, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là do các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
Chính vì thế, theo ông Lực, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá về nhà ở xã hội.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói thẳng, quy định quỹ đất 20% nhà ở xã hội thời gian qua có vô vàn bất cập dẫn đến không sử dụng được quỹ đất này để phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư thường chọn cách nộp tiền cho xong nhưng số tiền đó cũng chưa được dùng để xây nhà ở xã hội một cách thực chất... Vì thế, ông kiến nghị bỏ quy định này.
Liên quan đến nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần đa dạng hóa nguồn vốn, vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện.
“Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội” ông Ánh nói.
Minh Thư
Infonet