Hơn 12 giờ đêm, tiếng nhảy "ầm" xuống nước như xé tan sự tĩnh mịch của màn đêm. Một cô gái vừa gieo mình xuống sông Sài Gòn . Ngay sau đó, một chàng thanh niên tốt bụng cũng lao theo cứu cô nhưng bị mắc kẹt giữa dòng nước xoáy.
Ngay lập tức, ông Ba Chúc dong thuyền lao ra, cứu cả hai vào bờ. Cô gái tái mét mặt mày, nước mắt giàn giụa vì nỗi đau bị chồng phụ bạc. Chàng thanh niên tốt bụng chạy xe công nghệ cũng nằm trên thuyền thở dốc, liên tục cảm ơn người đàn ông vừa cứu sống mình.
Đó là công việc đã gắn liền với ông Ba Chúc hơn 40 năm qua, kể từ khi ông neo đời mình trên dòng sông Sài Gòn.
Người ta hất tay tôi, mong cầu "được chết"
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Chúc, hay còn gọi là ông Ba Chúc, nằm nép mình bên con sông Sài Gòn, dưới cầu Bình Lợi. Ông thuộc từng ngã rẽ, khúc quanh, sự nổi trôi của con nước từ khi lên 8 tuổi.
"Lúc còn bé, tôi theo bố đi đánh bắt cá trên sông. Lần đầu tiên nhìn thấy xác chết, tôi nôn thốc nôn tháo, sợ lắm. Bố tôi nói rằng người chết trên sông rất tội nghiệp. Họ lạnh lẽo, cần hương khói và một đám tang tử tế. Từ đó, tôi theo nghề đến giờ", ông Ba Chúc nhớ lại.
Đối với ông Ba Chúc, ranh giới giữa sống - chết vốn rất mong manh, chỉ cách nhau hơi thở. Một cô gái trẻ đẹp đứng trên thành cầu, chỉ vài phút sau đã gieo mình xuống dòng sông. Một chàng thanh niên khỏe mạnh, cường tráng lại chọn sông Sài Gòn làm nơi kết thúc tất cả. Anh ta bỏ lại quần áo, giày dép trên thành cầu và một cuộc đời còn dang dở ở lại.
Ông Ba Chúc đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh
Những lần thấy bóng dáng ai trên thành cầu, có dấu hiệu muốn nhảy, ông Ba Chúc đều hô hoán bảo họ quay lại, rồi gọi điện thoại cho công an.
"Thông thường, họ quẫn bách, trầm cảm, tuyệt vọng trong cuộc sống mới chọn cái chết. Tôi sẽ cố gắng chèo nhanh nhất để đến với họ trong vài phút. Có người quẫy đạp, hất tay tôi ra bảo rằng hãy cho họ được chết đi.
Tôi vừa nỗ lực kéo họ lên, vừa hô lớn rằng biết bao người còn đang muốn được sống ngoài kia. Những bệnh nhân ung thư, những con người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, họ mong cầu được sống biết bao.
Vì vậy, tôi tuyệt đối không để ai ra đi ngay trước mắt mình, đặc biệt là khi tôi còn có thể cứu được họ", ông nói.
"Lá cờ" của ông Ba Chúc, dùng để cắm lên thuyền khi ông đi tìm xác người
Hơn 40 năm qua, ông Ba Chúc không nhớ hết được rằng mình đã tham gia vớt xác bao nhiêu người trên dòng sông Sài Gòn. Số điện thoại ông được người ta lan truyền khắp nơi. Những người trên sà lan chở cát thấy thi thể gọi lên hay người thân của người tự vẫn không tìm được xác, họ đều gọi cho ông.
Ông thuộc làu sự thay đổi của dòng nước, tính được thời gian thi thể sẽ nổi lên... Ông nói: "Trước khi xuất phát, tôi thường cắm "lá cờ" lên thuyền để người ta chạy trên sông nhìn thấy biết rằng mình đang tìm xác. Họ có thấy được sẽ chỉ.
Thông thường, tôi tìm chỉ khoảng 1-2 ngày thì sẽ gặp. Người mất vì ngạt nước chỉ vài ngày sau cơ thể họ sẽ trương lên, bốc mùi. Những lần đầu không quen, tôi gần như muốn ngất đi vì mùi. Tôi khấn trong tâm, nói với họ rằng hãy cho tôi mang anh/chị lên bờ để tổ chức đám tang đàng hoàng.
Khi tôi tham gia tìm xác, tôi luôn nghĩ rằng họ như là gia đình của mình. Tôi muốn đưa họ về an táng một cách đàng hoàng, không nằm lạnh lẽo dưới lòng sông nữa", ông Ba Chúc nói.
Hơn 40 năm sống trên thuyền, ông Ba Chúc chỉ mới dựng tạm ngôi nhà cạnh bên sông Sài Gòn vài năm nay.
Dịch Covid-19 làm người ta nghĩ quẩn
Anh Sang (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM ) là một trong những người đã từng được ông Ba Chúc cứu sống. Anh kể: "Cách đây 15 năm khi tôi chơi đùa cùng đám bạn dưới sông thì bị hụt chân. Lúc đó, tôi chỉ mới học lớp 9 và không biết bơi. Tôi quẫy đạp, ngoi lên hụp xuống, chới với và vô cùng hoảng loạn.
Lúc đó, chú Ba nghe thấy liền chạy đến, vớt tôi lên. Sau tai nạn đó, tôi gọi chú là ân nhân, nhận làm ba nuôi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn ghé thăm hỏi vợ chồng chú. Nếu không có chú có lẽ tôi đã chết năm ấy rồi".
Anh Sang vẫn lui tới, thăm hỏi ân nhân của mình là ông Ba Chúc
Nhiều cặp vợ chồng vẫn thường xuyên đến nhà vợ chồng ông Ba Chúc để nói lời cảm ơn. Vì nhờ có ông, họ được sống tiếp quãng đời còn lại. Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc cho biết: "Trước đó, chúng tôi không có nhà mà sống trên ghe. Khi tôi mang bầu, ông ấy vẫn đi vớt xác trên sông khiến tôi sợ lắm. Người ta nói rằng bà bầu không được gần thi thể người đã khuất vì như thế là không may.
Tuy nhiên, tôi đã nghĩ rằng chồng mình làm việc thiện thì đâu có gì là sai. Tôi tin ông trời sẽ không ngược đãi chúng tôi. 5 người con gái của chúng tôi lớn lên trên chiếc thuyền đó, đều khỏe mạnh. Hiện tại, các con tôi đều có gia đình ổn định", bà nói.
Ngôi nhà ông Ba Chúc hiện tại chỉ còn hai vợ chồng, các con đều lập gia đình ở nơi khác
Vì bệnh tiểu đường, bà Hinh không thể di chuyển nhiều. Mỗi ngày, ông đều phụ bà làm việc nhà.
Hơn 40 năm trong nghề, giai đoạn khiến ông đau lòng nhất là sau thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19. Bởi lẽ, từ khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, một số người đã chọn cách quyên sinh vì quẫn bách.
Chiếc thuyền ông dùng để chèo đi tìm xác người mất trên sông Sài Gòn
Nụ cười hiền lành của ông Ba Chúc.
Ông kể: "Người nhà họ đến nhờ tôi tìm xác. Đa phần, họ đều bị trầm cảm trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Một số người thì trầm cảm, nợ nần, túng quẫn, gây gổ với gia đình... Tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 tháng rưỡi bình thường trở lại, tôi đã nhận tìm xác 8, 9 trường hợp, cứu sống thêm 2 trường hợp đang muốn nhảy cầu tự tử.
Tôi đã nói với họ rằng, bất kì điều gì trên đời này cũng đều có lối ra hay nút gỡ. Sự sống mà cha mẹ ban cho là vô cùng quý giá. Tôi khuyên họ hãy nghĩ lại vì gia đình, vì những người đang yêu thương mình".
Thi thoảng, nhà ông Ba Chúc lại rộn ràng tiếng nói cười của những người ghé thăm. Đó là những người năm xưa được ông cứu sông. Có người đã trở về với gia đình, chữa lành vết thương năm nào và sống tiếp cuộc đời mới.
Lan Chi
Doanh nghiệp tiếp thị