Công ty cổ phần Bệnh viên Giao thông vận tải (OTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, Bệnh viện đạt doanh thu chỉ 24,3 tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ. Trong khi giá vốn bán hàng lên tới 30,8 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng do sụt giảm doanh thu nên bệnh viên đã lỗ 11.4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ mức lỗ của bệnh viện là 8,77 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu của bệnh viện đạt 81 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng lên tới 100 tỷ đồng do đó bệnh viện thua lỗ 34,9 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều mức lỗ 26 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, Bệnh viện Giao thông vận tải có 20 quý thua lỗ liên tiếp. Mức lỗ triền miên không chỉ diễn ra khi có đại dịch Covid-109. Dịch bệnh chỉ làm cho tình trạng thua lỗ đậm hơn so với bình thường. Lỗ luỹ kế của Bệnh viện lên tới 187 tỷ đồng tính đến nay.
Trước đó, Bệnh viện cũng có năm 2020 thua lỗ với mức lỗ lên tới 34 tỷ đồng, doanh thu 145 tỷ đồng. Năm 2019 mức lỗ của bệnh viện cũng là 26,5 tỷ, trong khi doanh thu đạt 197 tỷ.
Năm 2018, Bệnh viện cũng ghi nhận khoản lỗ trên 33 tỷ đồng, tăng khoảng 2 tỷ so với con số lỗ của năm 2017.
Tính đến 30/9/2021, Bệnh viện Giao thông vận tải có tổng tài sản 245 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chỉ 28 tỷ đồng. Bệnh viện không có nợ dài hạn. Phần lớn trong số này là vốn chủ sở hữu của bệnh viện với 216 tỷ đồng, ăn mòn vốn góp của chủ sở hữu ban đầu là 391 tỷ đồng.
Doanh thu ngày càng giảm và mức lỗ ngày càng tăng của Bệnh viện Giao thông vận tải
Năm 2015, doanh nhân Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển và Tập đoàn T&T đã thành công khi mua đấu giá hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ của bệnh viện Giao thông vận tải.
Tính tới cuối năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển vẫn đang nắm 51,43% vốn điều lệ Bệnh viện, 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải sẽ tăng từ 168 tỷ đồng hiện nay lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12%.
Tuy nhiên, tại Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ quyết định về việc Bộ Giao thông Vận tải ngừng thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, dẫn đến Nhà nước sẽ nắm giữ trên 71% vốn điều lệ thay vì 30% như tại Quyết định 1129/QĐ-TTg cũng như thông tin cáo bạch đã công bố cho nhà đầu tư khi chào bán cổ phần phổ thông trên sàn giao dịch chứng khoán đã đưa ra trước đó.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ này hoàn toàn không có tiếng nói tại doanh nghiệp. Do đó, năm 2018 T&T đã có văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải mong muốn được thoái vốn tại Bệnh viện. Song đến nay, việc thoái vốn kết quả ra sao vẫn chưa được công bố.
Về phía Bệnh viện Giao thông vận tải, đầu 2021, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức chuyển giao 27,8 triệu cổ phần, chiếm 71,13% vốn của bệnh viện về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Như vậy, với tỷ lệ này thì việc thoái vốn của T&T có thể chưa có kết quả. Đặc biệt trong bối cảnh Bệnh viện Giao thông Vận tải thua lỗ triền miên.
Bệnh viện Giao thông vận tải sở hữu quỹ đất vàng ngay trung tâm TP. Hà Nội.
Bạch Huệ
Nhịp sống kinh tế