Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian ngắn, xe chở thiết bị điện gió đã 2 lần gây ra sự cố đường dây 220kV do vi phạm khoảng cách an toàn. Đây là điều đáng báo động và cần thiết triển khai cấp bách các biện pháp an toàn.
Sự cố xảy ra 2 lần tại khu vực đèo An Khê (địa phận giáp ranh giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai) với đường dây 220kV, nguyên nhân là do phương tiện vận chuyển cánh quạt điện gió vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện dẫn đến sự cố.
Cụ thể, ngày 13.7.2021, đơn vị vận chuyển cánh quạt gió trong quá trình vượt đèo An Khê đã để cánh quạt vi phạm khoảng cách, gây phóng điện khoảng cột 127-128 đường dây 220kV Nhà máy Thủy điện An Khê - Nhà máy sinh khối An Khê. Trước, trong quá trình vận chuyển, đơn vị vận tải không thông báo cho Truyền tải điện Bình Định để cử người hướng dẫn an toàn về điện.
Cũng là đường dây 220kV này, sự cố lần thứ hai xảy ra ngày 9.11.2021, tại khoảng cột 122-123. Đơn vị vận tải này cũng không thông báo cho Truyền tải điện Bình Định.
Đáng chú ý, theo Giấy phép lưu hành tổ hợp xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ do Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp có quy định công ty vận tải phải làm việc với đơn vị ngành điện chấp thuận phương án vận chuyển và phối hợp hướng dẫn an toàn về điện.
Theo EVN, hiện số lần vận chuyển thiết bị qua đèo còn rất lớn với tần suất 4-5 chuyến mỗi ngày. Chỉ cần 1 sai sót nhỏ cũng có thể gây ra sự cố vì cánh quạt này dài 77m, rộng 4,3m, cao 3,36m, nặng 18,2 tấn.
Nói về những sự cố này, ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC 3) cho biết, sau khi những sự cố này xảy ra, PTC 3 đã mời Phòng An ninh Kinh tế (PA04) - Công an tỉnh Bình Định vào cuộc cùng Truyền tải điện Bình Định làm việc với 2 công ty vận chuyển gây ra sự cố.
Trong đó, đã lập biên bản về trách nhiệm gây ra sự cố, yêu cầu đơn vị vận tải cam kết không để xảy ra sự cố tương tự. Đơn vị vận tải bắt buộc phải thông báo kế hoạch vận chuyển để đơn vị truyền tải cử cán bộ tham gia hướng dẫn, giám sát an toàn về điện.
Ngày 15.11.2021, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 7240/UBND-KT chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tư pháp và Truyền tải điện Bình Định xem xét, đề xuất xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Hiện PTC 3 tích cực phối hợp với các sở liên quan triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đáng báo động là, số lần vận chuyển thiết bị qua đèo còn rất lớn với tần suất 4-5 chuyến mỗi ngày. Đơn vị vận tải phải vừa đảm bảo xe vận chuyển không bị lật, vừa đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện.
Ngoài ra, thời tiết khu vực đang trong mùa mưa, sương mù nhiều, làm cho khả năng gây phóng điện dễ xảy ra hơn.
"Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải, PTC 3 đã giao Truyền tải điện Bình Định cử 5 cán bộ nhân viên thường trực trên đèo An Khê. Chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương thực hiện các hình thức xử lý theo quy định hiện hành đối với các đơn vị vận chuyển đã gây ra sự cố lưới điện truyền tải. Đồng thời, kiến nghị cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tăng cường kiểm soát các công ty vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Đề nghị các đơn vị vận chuyển thực hiện đúng quy định, thông báo với ngành điện về phương án vận chuyển, cũng như để được phối hợp hướng dẫn an toàn về điện", ông Cường nói.
Xem thêm: odl.211679-couc-oav-na-gnoc-ihgn-ed-neid-ioul-oc-us-yag-oig-neid-ib-teiht-ohc-ex/et-hnik/nv.gnodoal