Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cho biết họ đã phạt các công ty bao gồm Alibaba, Baidu và JD.com vì đã không khai báo 43 giao dịch từ năm 2012 với nhà chức trách. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng, ba công ty trên đã vi phạm luật chống độc quyền. Các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc sẽ bị phạt 500.000 nhân dân tệ (80.000 USD) mỗi đơn vị, mức tối đa theo Luật Chống độc quyền năm 2008 của Trung Quốc.
Trong 43 giao dịch bị phạt, Alibaba liên quan ít nhất hai trường hợp. Doanh nghiệp này đã mua lại công ty định vị và bản đồ kỹ thuật số nội địa AutoNavi vào năm 2014. Ngoài ra, năm 2018, công ty của tỷ phú Jack Ma mua 44% cổ phần của Ele.me để trở thành cổ đông lớn nhất của dịch vụ giao đồ ăn.
Các thương vụ khác được Cục Giám sát Thị trường Trung Quốc trích dẫn bao gồm việc Baidu mua lại một đối tác vào năm 2012. Gần đây nhất là thỏa thuận giữa Baidu và nhà sản xuất ôtô Trung Quốc Zhejiang Geely Holdings để cùng sản xuất một công ty xe năng lượng mới trong năm nay.
"Các thỏa thuận trên được thực hiện mà không hề có tác dụng loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh", cơ quan quản lý cho biết.
Trung Quốc đã và đang siết chặt các nền tảng internet, ngược lại với cách tiếp cận theo kiểu tự do một thời. Nước này cho rằng, sự lớn mạnh không kiểm soát của các "ông lớn" công nghệ có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng sức mạnh trên thị trường để hạn chế cạnh tranh, lạm dụng dữ liệu và quyền của người tiêu dùng.
Đây là lần thứ ba truyền thông đưa tin Alibaba bị Bắc Kinh xử phạt. Tháng 12 năm ngoái, "gã khổng lồ" công nghệ này cùng với China Literature do Tencent hậu thuẫn và Shenzhen Hive Box bị phạt 500.000 nhân dân tệ mỗi doanh nghiệp vì không báo cáo chính xác các giao dịch trước đây để xem xét chống độc quyền. Sau một thời gian "úp mở", đó là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh chính thức xử phạt các công ty công nghệ. Đầu năm nay, Alibaba tiếp tục bị phạt 2,8 tỷ USD vì những hành vi mà các nhà quản lý cho rằng đã kìm hãm sự cạnh tranh.
Thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh liên tục kêu gọi các công ty công nghệ tham gia chính sách "thịnh vượng chung" nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc tái phân phối của cải ở nước này, đề cập đến mục tiêu "thịnh vượng chung" ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Đến năm 2025, Alibaba cam kết sẽ chi 15 tỷ USD vì sự "thịnh vượng chung" của Bắc Kinh. Tương tự, Tencent thông báo sẽ dành 7,7 tỷ USD và hướng tới việc giúp tăng thu nhập cho người nghèo, giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
Tất Đạt (theo Reuters, AP)