Song song mức độ tiện lợi, mạng xã hội (MXH) kéo theo không ít bất lợi suốt quá trình giao kết, hình thành hợp đồng kinh doanh, thương mại, môi giới. Pháp luật cần đón nhận, cân chỉnh nhiều vấn đề… Đó là ý kiến đưa ra tại hội thảo khoa học "Luật Thương mại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập" do Trường ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức mới đây.
Tính sao với thỏa thuận online?
Dẫn chứng một vụ việc mua - bán thông qua MXH ở ĐBSCL, TS Trương Vĩnh Xuân (Học viện Chính trị khu vực IV) phản ánh quy định liên quan hình thức hợp đồng trong giao kết hợp đồng thông qua MXH chưa hề rõ ràng.
Theo đó, 2 doanh nghiệp (DN) kinh doanh cám thỏa thuận mua - bán qua điện thoại, Zalo và Facebook. Giao kết suôn sẻ vì vài lần bên mua thanh toán trọn vẹn hợp đồng. Đủ niềm tin, phía mua thỏa thuận nợ tiền hàng. Lúc số tiền cần trả lên đến 7 tỉ đồng thì bên mua lật lọng. Họ xóa tin nhắn Zalo, Facebook; phủ nhận mọi nội dung trao đổi. Bất lợi hơn, sổ sách ghi chép mà bên bán lưu giữ không có chữ ký bên mua. Tranh chấp nổ ra, DN bán cám cung cấp tin nhắn Zalo, Facebook thể hiện bên mua có bấm biểu tượng "like", phúc đáp "ok". Trong khi đó, bên mua lập luận động thái "like", "ok" biểu thị việc tiếp nhận thông tin, chứ không hề chứng tỏ họ đồng ý thực hiện hợp đồng.
Hoạt động kinh doanh thông qua mạng xã hội gặp không ít rủi ro vì luật chưa hoàn thiện. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS Trương Vĩnh Xuân phân tích: "Giả sử chúng ta đồng ý quan điểm thỏa thuận qua MXH là hợp đồng bằng lời nói, nếu thống nhất, bên sau cùng trả lời "ok" hoặc "like". Trường hợp phát sinh trục trặc, đương sự có thể nói rằng tin nhắn, biểu tượng đó hoàn toàn khác xa nội dung "Tôi đồng ý". Muốn đòi tiền, DN bán cám lâm cảnh cực kỳ gian truân, dù khởi kiện".
Nhà chức trách chưa có hướng dẫn xác nhận hợp đồng mua - bán trong kinh doanh, thương mại thông qua MXH là hợp đồng có hình thức văn bản. "Liệu chữ ký hình ảnh cùng tài khoản MXH có đáng tin cậy, có được chấp thuận làm bằng chứng trước trọng tài thương mại hay tòa án?" - TS Trương Vĩnh Xuân băn khoăn.
Pháp luật đã đề cập môi giới thương mại điện tử (TMĐT) ở Luật Thương mại 2005 cùng một số nghị định. Dù vậy, phạm vi điều chỉnh tại nghị định và Luật Thương mại 2005 xuất hiện những điểm "vênh", tạo khoảng trống pháp lý khiến DN chới với.
ThS Nguyễn Ngọc Anh (Trường ĐH Luật Hà Nội) lý giải biến chuyển thực tế khiến khuôn khổ pháp lý cũ trở nên "chật hẹp". Theo Luật Thương mại hiện hành, cá nhân, tổ chức môi giới không tham gia quan hệ pháp luật hình thành giữa bên được môi giới và bên thứ ba. Dù vậy, nghị định về môi giới TMĐT cho phép bên môi giới tham gia quan hệ pháp luật hình thành giao dịch ở một số khâu, như: đại diện thương nhân nước ngoài giải quyết khiếu nại, có thể liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa…
Theo TS Trần Huỳnh Thanh Nghị (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), Luật Thương mại 2005 đề cập môi giới thương mại một cách sơ sài, chưa tương xứng với tầm quan trọng của hoạt động này thời gian qua. TS Nghị chỉ rõ: "Trong 324 điều thuộc Luật Thương mại 2005, chỉ vỏn vẹn 5 điều nhắc đến môi giới thương mại. Cũng là hoạt động trung gian thương mại nhưng luật bỏ ngỏ hoàn toàn việc luật hóa hình thức hợp đồng môi giới thương mại, gây ra những thắc mắc, lúng túng tại giao dịch thực tế".
Cần đặc thù, riêng biệt
Nhiều ý kiến khẳng định hoạt động môi giới thương mại, bao gồm môi giới TMĐT, cần những điều luật đặc thù, rõ rệt. ThS Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo quy định về điều kiện giao dịch giữa bên được môi giới với bên thứ ba. Hiện luật cho thấy giao dịch này là giao dịch thương mại (điều 150, Luật Thương mại 2005).
ThS Nguyễn Ngọc Anh kiến nghị pháp luật không nên đặt ra điều kiện giao dịch như thế. Đây có thể là giao dịch mua - bán (hàng hóa, tài sản), cung ứng dịch vụ. "Hơn nữa, cơ quan có thẩm quyền cần chọn một trong 2 giải pháp: quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ môi giới TMĐT bổ sung trong Luật Thương mại năm 2005; hoặc ban hành văn bản luật riêng điều chỉnh quan hệ pháp luật này" - ThS Ngọc Anh đề xuất.
TS Trần Huỳnh Thanh Nghị cho rằng Luật Thương mại 2005 đã có những bước tiến dài nhưng không thể tránh khỏi nhiều vướng mắc. Vì thế, cơ quan chức năng cần gấp rút hoàn thiện luật này, nhất là phương diện môi giới thương mại. Đơn cử, pháp luật bổ sung nguyên tắc hành nghề môi giới thương mại, liệt kê cụ thể hành vi cấm đoán, bóc tách phí dịch vụ thành thù lao và hoa hồng. Luật Thương mại 2005 chưa đề cập nguyên tắc hành nghề môi giới, cũng như luật hóa căn cứ pháp lý về những hành vi cấm người môi giới phạm vào. Thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến lợi ích các bên tham gia hoạt động môi giới thương mại. Chẳng hạn, người môi giới có khả năng phục vụ cùng lúc bên bán lẫn bên mua, dân gian gọi là "ăn hai đầu".
TS Nghị đề xuất: "Thù lao môi giới thương mại có thể không phụ thuộc kết quả giao dịch. Mức thù lao cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận. Ngược lại, hoa hồng môi giới thương mại cần phụ thuộc vào kết quả giao dịch. Các bên có thể thỏa thuận dựa trên giá trị hợp đồng hoặc bằng một số tiền cụ thể".
Theo TS Trương Vĩnh Xuân, MXH trở thành ứng dụng ký kết nhiều hợp đồng nói chung, hợp đồng mua - bán hàng hóa nói riêng. Việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật làm căn cứ xác định hình thức, giao kết hợp đồng trở thành nhu cầu bức thiết. Trước tình trạng phía khởi kiện gặp bất lợi khi yêu cầu cung cấp thông tin lưu trữ trên MXH, pháp luật cần quy trách nhiệm DN cung cấp dịch vụ MXH. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ xuất trình thông tin. Pháp luật dân sự, thương mại nên bổ sung, hoàn thiện mọi quy định về hình thức hợp đồng, giao kết hợp đồng, đặc biệt là hình thức ký kết hợp đồng kinh doanh, thương mại thông qua MXH.
Hiểu rõ hơn về môi giới thương mại
TS Trần Huỳnh Thanh Nghị giải thích môi giới thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó, một thương nhân làm trung gian (bên môi giới) cho các bên mua - bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (bên được môi giới) trong đàm phán, giao kết hợp đồng mua - bán hàng hóa, dịch vụ. Luật Thương mại hiện hành cho phép người môi giới hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
Xem thêm: mth.45952240212111202-gnam-nert-hnaod-hnik-ioig-iom-gnort-om-meid/et-hnik/nv.moc.dln