Luật Hợp tác xã ra đời năm 2012 đã giúp chuẩn hóa mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh sự liên kết giữa người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế. Nhưng, để thúc đẩy mô hình này phát triển hơn nữa là một câu chuyện còn dài ở phía trước.
HTX kiểu mới- yếu tố quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021- 2025, Bộ NN-PTNT coi kinh tế tập thể là một trong 3 trụ cột chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trong mô hình HTX kiểu mới, yếu tố kinh tế hộ nông dân được đặt lên hàng đầu, đây là tiền đề quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) trao đổi với Người Đưa Tin, Việt Nam hiện nay có khoảng 18.000 HTX nông nghiệp. 97,7% trong số đó đã đăng ký chuyển đổi mô hình cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, giúp cho chất lượng của khối sản xuất kinh tế này có nhiều thay đổi tích cực.
Một trong những vai trò nổi bật của mô hình HTX là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức, doanh nghiệp cung ứng đầu vào, phổ biến kỹ thuật. Trên cơ sở đó, HTX tiến hành sản xuất, sản phẩm làm ra cũng được chính doanh nghiệp bao tiêu. Đây là một lợi thế rất lớn khi cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề nan giải.
Về phía doanh nghiệp, chủ động được nguồn cung, đảm bảo chất lượng sản phẩm…qua đó yên tâm khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu. HTX cũng giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, thu lợi từ hoạt động sản xuất và không lo về đầu ra của sản phẩm.
Tính ưu việt của mô hình này càng được thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19 vừa qua khi ở những địa phương tập hợp được nhiều các mô hình sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đảm bảo thì sản lượng tiêu thụ vẫn khả quan, chuỗi sản xuất gần như không bị đứt gãy. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả mới chỉ đạt 60%, chất lượng cũng chưa được như kỳ vọng.
Đánh giá về những nguyên nhân cản trở đến sự phát triển của mô hình HTX, ông Thịnh cho biết:
"Nguồn nhân lực trình độ cao cho khối sản xuất này còn rất yếu và thiếu. Hiện nay cán bộ quản lý hợp tác xã đa số có trình độ văn hoá thấp gây không ít khó khăn cho việc tổ chức hoạt động và điều hành. Bên cạnh đó, phần đông vẫn còn mang tư duy bảo thủ, trì trệ, quá trình tiếp thu kiến thức mới gặp rất nhiều khó khăn.
Đa số các HTX kiểu mới hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, người nông dân tự phát hợp tác với nhau hoạt động theo mô hình chuyên cây chuyên con, chỉ gói gọn trong 1-2 lĩnh vực. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh và liên kết sản xuất".
Ông Thịnh cũng cho rằng, điều kiện hạ tầng nhiều nơi còn khó khăn, trang thiết bị còn thô sơ thiếu thốn. Rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có sản lượng tốt, chất lượng đạt yêu cầu nhưng luôn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ do hạ tầng đường sá chưa hoàn thiện khiến cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp tiêu thụ bị hạn chế đi rất nhiều.
Nguyên nhân nan giải nhất, gần như 100% các HTX đang phải đối mặt đó là nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX có kế hoạch sản xuất rất tốt, có cơ hội phát triển nhưng do thiếu nguồn vốn đầu tư khiến cơ hội trôi qua một cách rất đáng tiếc.
Kinh nghiệm nhìn từ Kiên Giang
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, chú trọng phát triển mô hình HTX, Sở đã tham mưu cho HĐND- UBND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của HTX.
Đơn cử như việc, tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt quan tâm đến các bộ phận lãnh đạo, cán bộ chuyên môn… Hàng năm, Sở đều mở các lớp tập huấn, đào tạo các kỹ năng như quản trị sản xuất; quản trị nhân lực; kế hoạch kinh doanh; kỹ năng điều hành hoạt động và xúc tiến thương mại cho hơn 4600 thành viên HTX trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020-2025, Sở đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX có trình độ từ Cao đẳng trở lên.
Hiểu rõ sự khó khăn về nguồn vốn của các HTX, UBND – Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã có các phương án, chính sách tín dụng phù hợp. Theo đó, mỗi HTX có kế hoạch kinh doanh, phát triển khả quan, đáp ứng được điều kiện về vốn đối ứng (khoảng 20% giá trị khoản vay) và thời gian triển khai không quá 5 năm sẽ được vay tối đa 2 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm đầu. Nguồn vốn hỗ trợ này được Tỉnh trích từ quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vay tín chấp từ các dự án cạnh tranh ACP, quỹ Hội nông dân…
Bên cạnh đó, công tác khuyến khích liên doanh liên kết, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi cũng được tỉnh chú trọng và quan tâm.
Tính đến tháng 10/2021, Kiên Giang đã hỗ trợ được 733 tỷ đồng nguồn vốn vay cho chuyển đổi cơ giới hóa, máy móc thiết bị sản xuất. Các Tổ hợp tác; HTX giải quyết việc làm cho hơn 16.181 lao động với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/ tháng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ lồng ghép các dự án, đặc biệt là các dự án của Bộ NN-PTNT vào trong hoạt động của HTX để nâng cao hiệu quả hơn nữa”, ông Toàn cho biết thêm.
Trình độ nhân lực, yếu tố sống còn cho phát triển của HTX kiểu mới
Đánh giá về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp kiểu mới, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nông nghiệp trong thời đại mới. HTX sinh ra để thích ứng với cơ chế thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu”.
Theo ông Toàn, để mô hình HTX thực sự phát triển, cần phải thúc đẩy đồng bộ những biện pháp:
Thứ nhất: Công tác tuyên truyền cần thực hiện sâu và rộng. Không chỉ tuyên truyền chung về cơ chế chính sách, phải đặc biệt nhấn mạnh được vai trò, lợi ích của HTX.
Thứ hai: khẩn trương khắc phục các vướng mắc về chính sách, những vấn đề còn tồn tại trong chỉ đạo, điều hành…
Thứ ba: Cơ chế nguồn vốn hỗ trợ, tích tụ đất đai...cần phải được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế hoạt động của từng đơn vị. Địa phương đặc thù cần phải có có cơ chế đặc thù.
Thứ tư: Đẩy mạnh công tác kết nối tiêu thụ nông sản, khuyến khích kinh tế hợp tác - liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp và HTX. Kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập những HTX yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Như vậy, sẽ tập trung được nguồn vốn đầu tư trọng điểm, phát triển các HTX có tư duy và chiến lược sản xuất phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường.
Thứ năm: xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng bởi đây là yếu tố quan trọng cho việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong thực tế, rất nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng sản phẩm hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. Nhưng do hạ tầng giao thông hạn chế, thiếu thông tin thị trường…khiến mất đi cơ hội tiếp cận với chuỗi tiêu thụ.
Mơ ước của vị Cục trưởng
Bàn về câu chuyện tháo gỡ khó khăn, tìm hướng phát triển cho HTX nông nghiệp kiểu mới, ông Lê Đức Thịnh khẳng định với Người Đưa Tin về vai trò của các cấp chính quyền: “Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và hợp tác xã đã rút ra một bài học, ở đâu Đảng- Chính quyền quan tâm đến kinh tế tập thể thì ở đó phong trào HTX phát triển rất mạnh”.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Việt Nam cần xây dựng chiến lược nông nghiệp hàng hóa hiện đại, tham gia rộng và sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp.
Đó là, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, xã viên HTX; đẩy mạnh công tác liên doanh liên kết và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng lưu ý các địa phương nên có phương pháp sản xuất phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các phụ phẩm, chế phẩm nhằm tích hợp đa giá trị và phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Tôi mơ ước, mỗi tỉnh có 1 trung tâm hoạt động như một đơn vị gia công. Nông dân, HTX, doanh nghiệp chỉ cần chuyển sản phẩm thô và mọi khâu còn lại như sơ chế, đóng gói, nhãn mác, bao bì sản phẩm… sẽ do trung tâm này hoàn thiện. Làm như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nói thêm.