vĐồng tin tức tài chính 365

Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ 'đắp chiếu', nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống

2021-11-22 09:34

Chị L.T.B, nhân viên kế toán của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh, hiện tại đời sống của chị và hàng trăm đồng nghiệp khác đang bị đẩy vào đường cùng.

Chị B. bức xúc cho biết, từ năm 2019, chị và mọi người rất bất an khi nhận được tờ giấy thông báo bệnh viện tự chủ hoàn toàn trong khi năm 2018 bệnh viện vẫn phải vay tiền về trả lương cho nhân viên.

Theo chị B, Bệnh viện Tuệ Tĩnh trực thuộc Học viện Y học cổ truyền Trung ương, là nơi thực hành cho sinh viên của trường chứ không phải nơi có chức năng kiếm tiền; lãnh đạo chủ trương đưa bệnh viện theo hướng tự chủ hoàn toàn, mua hàng loạt trang thiết bị đắt tiền về rồi để không suốt cả năm.

Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ đắp chiếu, nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống - Ảnh 1.
Hàng trăm cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh tố bị nợ lương. 

''Đây là những máy móc cao cấp và dùng được ở các bệnh viện đa khoa trở lên, nhưng Bệnh viện Tuệ Tĩnh mua về chỉ để ''trưng'' vì không có người làm được, cán bộ bệnh viện không được đào tạo về sử dụng máy. Khi máy móc liên quan tới sinh mạng con người thì không ai dám động vào. Cứ như thế hàng loạt máy móc để đó, còn nhân viên thì khó khăn chồng chất khó khăn'', chị B xót xa nói.

Nói về thu nhập, chị B chia sẻ, từ năm 2019, bệnh viện không có thưởng, thu nhập tính theo hệ số, sau đó giảm dần. Đỉnh điểm, từ 6 tháng nay, mỗi tháng chị chỉ nhận được 2,4 triệu tiền lương từ bệnh viện (50% lương cơ bản với hệ số 3.0 của người lao động có trình độ đại học).

Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ đắp chiếu, nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống - Ảnh 2.
Máy móc tiền tỷ mua về phủ kín chống bụi, còn hàng trăm cán bộ, nhân viên bị nợ lương suốt thời gian dài.

Hàng trăm nhân viên y tế khác cũng rơi vào cảnh như chị B. Thậm chí, những người chỉ là chuyên viên, kỹ thuật viên y học cổ truyền nên bậc lương thấp, mỗi tháng chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng từ cơ quan.

Chỉ cho PV xem những thiết bị còn mới tinh bị bỏ không, chị Ng.T.H. điều dưỡng khoa Lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc nói: ''Lãnh đạo bệnh viện mua các thiết bị về không cần biết có dùng được không, họ chỉ cần mua về làm sang cho bệnh viện''.

Lương không có, mỗi lần nhìn đống máy móc hiện đại ''đắp chiếu'', chị H. và các đồng nghiệp cảm thấy vô cùng chán nản.

Để duy trì cuộc sống, những cán bộ nhân viên y tế ở đây đã phải làm thêm. Ban ngày họ đến bệnh viện làm việc, ngoài giờ thì người đi làm xoa bóp bấm huyệt riêng, người đi chạy grab, người đi bán rau, bán hàng online... đủ cả.

Chị H., Điều dưỡng trưởng khoa Nội chia sẻ, 15 năm công tác trong bệnh viện, nhìn tình cảnh đồng nghiệp ngày càng bi đát mà chị thấy chua xót. Bệnh viện trực thuộc Học viện; trong khi Học viện không tự chủ, mà chỉ riêng đơn vị bệnh viện này tự chủ, không phù hợp thực tế hoạt động, đẩy hàng trăm người rơi vào cảnh lao đao. Lương cơ bản chỉ được trả một nửa, thu nhập tăng thêm không có, mỗi ngày nhân viên đi làm về lại đau đáu tìm cách kiếm thêm chút thu nhập trong khi còn rất nhiều người đang phải thuê nhà ở, lo cho con cái học hành.

Chị L.T.H. (điều dưỡng khoa Sản), mỗi buổi chiều từ bệnh viện chiều về, chị vội vàng đi lấy rau mang ra chợ bán để có thêm đồng ra đồng vào. Lương của chị H vốn đã rất thấp, nay lại bị giảm một nửa, chồng chị làm công nhân cũng bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cuộc sống gia đình chị rơi vào cảnh khốn đốn.

Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ đắp chiếu, nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống - Ảnh 3.
Máy siêu âm bỏ không.
Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ đắp chiếu, nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống - Ảnh 4.
Nhiều thiết bị mua về mấy năm vẫn ''nguyên đai, nguyên kiện'' không được sử dụng. 

Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh để tìm hiểu về phản ánh của người lao động, vị lãnh đạo này cho biết, thu nhập của cán bộ nhân viên là việc “nhạy cảm”, trước mắt cần báo cáo với lãnh đạo Học viện tìm hướng xử lý, sau đó sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí.

Trao đổi với PV, PGS Đậu Xuân Canh – nguyên Giám đốc Học viện Y học cổ truyền trung ương - là người đưa ý kiến  đề xuất tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, chủ trương tự chủ là của Học viện và Bệnh viện thời điểm đó, sau đó báo cáo Bộ Y tế để thực hiện.

'Việc quyết định tự chủ không hoàn toàn nóng vội bởi trước thời điểm BV Tuệ Tĩnh tự chủ hoàn toàn, trong 3 năm liên tiếp 2016 – 2018, bệnh viện đều có tài chính ổn định, chi trả lương cho người lao động đầy đủ, mỗi tháng 2 kỳ lương cơ bản và lương tăng thêm. Vì vậy, Học viện và Bệnh viện đã có báo cáo gửi Bộ Y tế xin tự chủ. Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện đầu tiên về y học cổ truyền trên cả nước tự chủ'.

'Hiện nay dịch Covid-19 khó khăn thì lúc này có thể cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho cán bộ công nhân viên', nguyên Giám đốc Học viện Y học cổ truyền trung ương nói.

Khánh Chi

Infonet

Xem thêm: nhc.56633248022111202-gnos-meik-barg-yahc-uar-nab-neiv-nahn-ueihc-pad-yt-neit-com-yam-uhc-ut-neiv-hneb/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bệnh viện tự chủ, máy móc tiền tỷ 'đắp chiếu', nhân viên bán rau, chạy grab kiếm sống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools