Tài sản cá nhân của các tài phiệt bất động sản Trung Quốc đang là căn cứ để nhà đầu tư xác định liệu công ty đó có hoàn thành các nghĩa vụ nợ hay không. Trong vài tuần qua, chủ tịch sáng lập của ít nhất 7 hãng bất động sản đã dùng tài sản riêng của mình để hỗ trợ công ty. Số tiền này được lấy từ việc bán tài sản xa xỉ hoặc bán cổ phần.
China Business News tuần trước đưa tin Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan đã bơm hơn 7 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD) vào công ty này kể từ tháng 7. Số tiền trên được huy động từ việc bán tài sản cá nhân và thế chấp cổ phiếu, nhằm tăng thanh khoản cho công ty này.
Li Sze Lim và Zhang Li – hai nhà đồng sáng lập R&F cam kết cung cấp 8 tỷ đôla Hong Kong (hơn 1 tỷ USD) dưới dạng vốn ngắn hạn cho công ty, sau khi hãng dịch vụ bất động sản này được chấp thuận bán cho đối thủ.
Lin Tengjiao của Yango cũng tự đứng ra đảm bảo khi hãng địa ốc này muốn gia hạn 3 lô trái phiếu để tránh vỡ nợ. 3 lô này có tổng giá trị 747 triệu USD.
Sun Hongbin của Sunac cũng cho công ty vay 450 triệu USD không lãi suất thông qua các quỹ của ông. Hai anh em Lin Zhong – Lin Feng - chủ tịch và giám đốc hãng bất động sản CIFI cam kết bơm 1,68 tỷ đôla Hong Kong (215 triệu USD) vào công ty này, thông qua việc mua cổ phiếu mới phát hành.
Ming Pao đưa tin Chủ tịch Hui Wing Mao của Shimao cũng thế chấp 3 tầng tòa tháp The Center ở Hong Kong (Trung Quốc) để vay 1,4 tỷ đôla Hong Kong (180 triệu USD) cho công ty. Guo Ziwen cũng chấp thuận chi gần 600 triệu đôla Hong Kong (gần 77 triệu USD) để mua cổ phiếu mới của hãng bất động sản Aoyuan thông qua một công ty khác.
Những nỗ lực trên cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện tại trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Các hãng địa ốc không thể kiếm tiền từ bán căn hộ hay bán bớt tài sản. Hiện tại, khi giá nhà và doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm, các ngân hàng lại càng lưỡng lự cho vay. Lợi suất trái phiếu phát hành tại nước ngoài thì tăng vọt. Nhiều hãng địa ốc phải trông đợi vào nhà sáng lập làm phương án cuối cùng.
Động thái này trái ngược với các doanh nhân nước ngoài – khi trách nhiệm hữu hạn bảo vệ tài sản của người chủ khỏi tầm với của chủ nợ. Dù vậy, tại Trung Quốc, ranh giới này không quá rõ ràng.
"Tại Trung Quốc, giới chức có thể gây sức ép lên các cổ đông lớn, hoặc cổ đông kiểm soát về việc coi tài sản cá nhân và công ty là không thể tách rời", Zhiwu Chen Giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu tại Đại học Hong Kong nhận xét, "Một phần vì các cổ đông kiểm soát, đặc biệt là các nhà sáng lập, thường coi tài sản công ty như tài sản cá nhân".
Evergrande Group năm nay đã suýt vỡ nợ 3 lần. Trái phiếu Evergrande, Sunac China Holdings, Guangzhou R&F Properties, Shimao Group Holdings và CIFI Holdings Group đều tăng giá sau thông tin hỗ trợ của các nhà sáng lập.
Hà Thu (theo Bloomberg)