Sau 3 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2021-2025, gắn OCOP với kinh tế số.
Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, đã có 72% trong số hơn 6.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên toàn quốc tham gia chương trình được công nhận 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu).
Thông tin từ Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, kết quả sau 3 năm tích cực thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 117 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao, 83 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2021, đợt 1 UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận cho 22 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt 1 năm 2021, trong đó 10 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng được 3 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể và hàng trăm nhãn hiệu thông thường, với 52 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của các địa phương.
Để chương trình OCOP đi vào thực chất và hiệu quả hơn, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ gần 74 tỉ đồng cho 68 lượt hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, công trình giao thông, thủy lợi phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ trên 50 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ quy mô lớn liên tỉnh, liên quốc gia giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Sau 3 năm thực hiện, tỉnh Bắc Kạn cũng đã công nhận 131 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao; hỗ trợ 20 sản phẩm OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị; thành lập 25 chủ thể và hỗ trợ tái cơ cấu 13 hợp tác tham gia Đề án OCOP.
Tỉnh Kon Tum cũng đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên; trong đó có một sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao – sản phẩm OCOP cấp quốc gia là càphê rang xay DAKMARK tại huyện Đăk Hà. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia; riêng năm 2021 sẽ có 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3 sao trở lên.
Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP.Cần Thơ đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 14 sản phẩm của 2 quận là Thốt Nốt và Cái Răng. Kết quả, có 12 sản phẩm sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong đó, quận Cai Răng có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, quận Thốt Nốt có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Ngoài ra, còn có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Ứng dụng kinh tế số, phát triển xanh trong sản xuất OCOP
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong hồ sơ đăng ký tham gia chương trình, tại Phiếu đăng ký sản phẩm mới và tại Tài liệu giới thiệu tổ chức, chủ thể OCOP phải trình bày về Giải pháp bảo vệ môi trường (xử lý chất thải) khi triển khai sản xuất và các Phương án bảo vệ môi trường đồng thời đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường/đánh giá tác động bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch thu gom rác thải, hệ thống xử lý chất thải... khi tiến hành sản xuất.
Đến nay, khi thực hiện chương trình, các địa phương đều bám sát tiêu chí này.
Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: Nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần hát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang); chè Tân Cương (Thái Nguyên); càphê (Sơn La), lúa gạo (Sóc Trăng, An Giang)…; hình thành 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã và doanh nghiệp...
Trong giai đoạn mới, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là mục tiêu đã được Bộ Bộ NNPTNT đặt ra trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số đã và đang được xem là bệ phóng cho các sản phẩm OCOP trong 5 năm tới với mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tỉnh Bắk Kạn đã chính thức phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trong đó chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Xem thêm: odl.724679-hnax-neirt-tahp-av-os-et-hnik-iov-poco-nag-5202-1202-naod-iaig/et-hnik/nv.gnodoal