Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đã hoãn kế hoạch mã hóa đầu cuối tin nhắn của người dùng trên 2 ứng dụng này đến năm 2023, do một số lo ngại từ Vương quốc Anh rằng mã hóa sẽ khiến việc phát hiện các đối tượng lạm dụng trẻ em trở nên khó khăn hơn.
Meta vốn đã sử dụng mã hóa đầu cuối trên dịch vụ nhắn tin WhatsApp và có kế hoạch mở rộng tính năng này sang Messenger và Instagram trong năm 2022. Cuộc gọi thoại và video trên Messenger đã được mã hóa đầu cuối. Tuy nhiên, mới đây Giám đốc toàn cầu về An toàn của Meta Antigone Davis cho biết Meta sẽ “dành thời gian để thực hiện kế hoạch này cho đúng” và đưa tính năng mã hóa lên tất cả các ứng dụng trong năm 2023.
Hội Ngăn ngừa Ngược đãi Trẻ em Quốc gia (NSPCC), một tổ chức từ thiện chuyên về bảo vệ trẻ em tại Anh, đã nói rằng tin nhắn riêng tư là “nơi đầu tiên hành vi lạm dụng trẻ em trên mạng diễn ra”, với lý do mã hóa đầu cuối ngăn ngừa việc cơ quan thực thi pháp luật và các nền tảng công nghệ thấy được nội dung được gửi đi giữa 2 bên. Quan điểm này cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel chia sẻ.
Ngành công nghệ đã báo cáo 21 triệu lần phát hiện hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trên tất cả các nền tảng online lên Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị lạm dụng Mỹ trong năm 2020. Hơn 20 triệu lần trong số đó đến từ Facebook.
Đáp lại quan điểm này, bà Davis nói rằng Meta sẽ có khả năng phát hiện hành vi/lời nói lạm dụng trẻ em ngay cả khi sử dụng mã hóa đầu cuối thông qua dữ liệu không được mã hóa, thông tin tài khoản và báo cáo từ người dùng.
Vấn đề mã hóa tin nhắn cũng là mối quan tâm của Văn phòng Truyền thông Vương quốc Anh (Ofcom), cơ quan quản lý có nhiệm vụ thi hành dự luật an toàn trên mạng của quốc gia này. Dự luật này sẽ có hiệu lực vào năm 2023 và yêu cầu các công ty công nghệ phải bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại và hành vi lạm dụng trên các nền tảng của mình. Giám đốc của Ofcom, bà Melanie Dawes, còn tuyên bố rằng các công ty mạng xã hội cần cấm hẳn việc người lớn nhắn tin trực tiếp cho trẻ em trên mạng xã hội hoặc đối diện với biện pháp trừng phạt.
Tùng Phong (Theo The Guardian và The Verge)