Gia Lai - Hơn 3 năm trước, gia đình bà Lộc rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu do hồ tiêu, cà phê “mất mùa mất giá”. Không khuất phục trước tình cảnh, người phụ nữ quyết định khởi nghiệp ở tuổi U50 với mô hình nuôi dế độc đáo của mình.
Bây giờ, bà Lê Thị Lộc (54 tuổi, thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng ở trong khu nhà nuôi dế với hơn 100 chuồng, mang về thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, bà Lộc có thể giao sản phẩm dế thịt từ Gia Lai đến các tỉnh thành trên khắp cả nước, chủ yếu là các tỉnh như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên.
Các nhà hàng, khách sạn sang trọng những địa bàn này thường đặt đơn hàng dế thịt thương phẩm của bà Lộc với số lượng lớn, để phục vụ thực khách. Dế bà Lộc nuôi đặc biệt nổi tiếng bởi cách chăm sóc tỉ mẩn, khoa học.
Với dáng người nhỏ thó, mộc mạc kiểu nhà nông, bà Lộc tâm sự, người nông dân cả đời đầu tư vào rẫy cà phê, vườn tiêu nhưng điệp khúc “được mùa rớt giá” khiến họ mất luôn cả nguồn vốn. Đang lúc buồn bã, bà Lộc lên mạng xã hội, vô tình gia nhập hội nhóm những người nuôi dế.
“Lục lại trong túi chỉ còn hơn 2 triệu đồng, tôi liền đặt mua giống dế mèn từ TP.Pleiku về để nuôi thử nghiệm. Một thời gian, thấy việc nuôi dế khá đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian thu hoạch không quá 3 tháng, gia đình và người thân động viên nhân rộng mô hình”, bà Lộc nói.
Bà Lộc chạy vạy đi mượn thêm tiền của anh em, bạn bè. Tuy nhiên, khi mô hình nuôi dế được mở rộng thì gặp khó khăn về thời tiết, nhiệt độ trong chuồng luôn cao khiến những đàn dế giống chết dần.
Được sự trợ giúp của những người bạn cùng nuôi dế quen biết trên mạng, bà Lộc phun sương, tưới nước ở trong chuồng dế để kiểm soát nguồn nhiệt và giữ ấm cho dế. Nhờ vậy, đàn dế sinh trưởng phát triển ổn định.Trên các nương rẫy cà phê, bà Lộc trồng cây mía, cây sắn để làm nguồn thức ăn cho dế.
Đến nay, mô hình nuôi dế của bà Lộc đã phát triển lên 100 chuồng, bình quân mỗi chuồng nuôi đạt cho ra khoảng 20-30 kg dế thương phẩm, còn trứng dế là từ 18-20 kg.
Hiện nay, dế thương phẩm đang có giá từ 55.000-70.000 đồng/kg, còn trứng dế giống là 70.000-100.000 đồng/kg. Mỗi năm bà Lộc thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Theo bà Lộc, không phải người nông dân nào tìm hướng đi khởi nghiệp khác với những cây trồng truyền thống như cà phê, tiêu, điều… cũng đều thành công. Mà quan trọng phải biết đầu tư học hỏi, tham khảo ý kiến của những người đi trước. Thời buổi 4.0 thì có thể học hỏi qua những người bạn được kết nối trên mạng, các hội nhóm, để lựa chọn đầu vào và thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Do những nhà hàng, khách sạn sang trọng biết cách chế biến món dế đặc biệt này thành món ăn ngon nên người ta sẵn sàng trả giá cao đối với dế thương phẩm. Đặc biệt, dế bà Lộc nuôi ăn bằng rau cỏ nên thịt thơm ngon và chắc hơn so với dế nhiều vùng miền khác.
Khi kinh tế đã ổn định, bà Lộc mong muốn những ai có nhu cầu nuôi dế, bà sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, bao tiêu sản phẩm.
Xem thêm: odl.564679-ed-ioun-gnab-peihgn-iohk-05u-un-uhp-iougn-aig-tam-ehp-ac-iv-nauq-gnut/et-hnik/nv.gnodoal