Toàn cảnh họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 chiều 22-11 - Ảnh: NGUYỄN THƯ
Chiều 22-11, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thông tin tại cuộc họp báo, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết ngày 21-11, TP.HCM có 1.223 bệnh nhân nhập viện, 749 ca xuất viện, 59 ca tử vong.
Hiện TP đang điều trị 13.721 bệnh nhân. Trong đó có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO. Đến ngày 21-11, TP đã tiêm 7,8 triệu liều mũi 1 và 6 triệu liều mũi 2.
Trước đó, UBND TP.HCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP tính đến ngày 18-11. Cụ thể, TP.HCM hiện vẫn đang đạt cấp độ 2.
Trong đó, có 11 quận huyện có cấp độ 1, tăng 1 địa phương so với tuần trước; 11 quận huyện có cấp độ 2. 150 phường, xã, thị trấn đạt cấp độ 1; 157 phường, xã, thị trấn đạt cấp độ 2; 5 phường, xã, thị trấn đạt cấp độ 3.
Trao đổi tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong 3 ngày 19, 20, 21-11, TP.HCM có 151 trường hợp tử vong. Trong đó, có 75% các trường hợp không tiêm mũi vắc xin nào hoặc tiêm không đủ liều.
Bà Mai cho biết thêm khi F0 tăng thì số ca tử vong cũng sẽ tăng. Thời gian qua, mặc dù độ phủ vắc xin của TP cao nhưng khi F0 tăng lên thì có khoảng 15-20% số F0 diễn tiến nặng. Trong đó, có 5% rất nặng.
Theo bà Mai, để giảm số ca tử vong thì F0 và ca nhập viện phải giảm. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện 5K, không được chủ quan lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.
Bên cạnh đó, chánh văn phòng Sở Y tế cho biết Sở đã có công văn xin Bộ Y tế bổ sung 100.000 liều Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Sáng nay (22-11), Bộ Y tế đã phân bổ trước cho TP 5.000 liều thuốc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết hiện nay có tình trạng các F0 phát hiện tại các doanh nghiệp nhưng do doanh nghiệp chưa bố trí khu cách ly nên đưa về địa phương nhưng địa phương không tiếp nhận.
Ngành y tế TP cũng đã làm việc với doanh nghiệp và các địa phương để phối hợp quản lý F0. Cụ thể, khi doanh nghiệp phát hiện F0 thì thông báo nhanh chóng cho chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Thậm chí, khi nơi cư trú của F0 và doanh nghiệp không cùng một địa phương thì trung tâm y tế của hai địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để cách ly chặt chẽ F0.
TTO - Số ca mắc COVID-19 ở châu Âu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực sẽ có thêm nửa triệu người chết vào đầu năm sau. Nhà dịch tễ học Mỹ cảnh báo sắp hết thời gian để ngăn làn sóng mới.