Vào một ngày đẹp trời ở Los Angeles, nếu giãn cách đã mở thì bất kỳ du khách địa phương nào cũng có thể gọi 1 bát súp vây cá mập ở một nhà hàng Trung Quốc với giá chỉ 16,95 USD.
Điều đáng ngạc nhiên là hành vi này hoàn toàn trái pháp luật ở Los Angeles cũng như tại 12 bang của Mỹ.
Trên thực tế, việc săn bắt và cắt vây cá mập đã bị quy định là phạm pháp trên các vùng lãnh hải Mỹ từ năm 2000, nhưng các nhà hàng Châu Á hoàn toàn có thể nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Tại những nhà hàng Trung Quốc ở Los Angeles, khi được phóng viên tờ National Geographic tiếp cận, quản lý cho biết có sự nhầm lẫn trên thực đơn và họ không phục vụ món vây cá mập.
Vậy tại sao món vây cá mập lại bị nghiêm cấm ở một số nước Phương Tây cũng như bị các nhà hoạt động xã hội tẩy chay nhưng nhu cầu cho chúng vẫn cao?
Thủ phạm Trung Quốc
Quay ngược dòng lịch sử, vây cá mập vốn là một trong những nguyên liệu sang quý được giới quý tộc Trung Quốc hay sử dụng trước và trong thời nhà Tống. Hiện chưa có một tư liệu lịch sử nào ghi nhận chính xác được thời điểm xuất hiện của các món ăn sử dụng vây cá mập.
Dẫu vậy các nhà sử học khẳng định rằng món súp vây cá mập trở nên cực kỳ phổ biến vào thời nhà Minh và trở thành biểu tượng của giới quý tộc vào thời nhà Thanh, đứng cùng các món hải sản như bào ngư, hải sâm.
Trong thập niên 1950-1960, các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng chất Chondroitin trong sụn vây cá mập có tác dụng chữa các bệnh về xương khớp, mắt cũng như bồi bổ cơ thể.
Chính vì sự khan hiếm và nhu cầu tăng cao của vây cá mập mà giá của chúng rất đắt, khoảng 1 kg vây cá mập loại xấu nhất cũng có giá 300 USD, còn loại tốt nhất lên tới 16.000 USD tùy tình hình. Một bát súp vây cá mập giao động trong khoảng 20-120 USD tại Nhật Bản và chúng cũng biến động tùy thị trường.
Mặc dù sang quý như vậy nhưng quá trình săn bắt vây cá mập chẳng đẹp đẽ tý nào. Các ngư dân sẽ phải bắt cá mập và cắt bỏ hoàn toàn vây của chúng, rồi thả cá mập trở lại biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trên thực tế, ban đầu các ngư dân mang cả con cá trở về đến bán vây cá mập cũng như thịt của chúng. Tuy nhiên sau này họ phát hiện ra rằng cắt bỏ vây rồi thả cá mập lại biển để lấy chỗ chất đầy vây cá mập sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn mang cả con về.
Hệ quả là những con cá mập bị thả về đại dương mất máu, chìm sâu xuống nước, ngạt thở đến chết hoặc bị chính đồng loại của mình xé xác.
"Không nghi ngờ gì nữa, đây là hành vi săn bắt động vật tàn ác nhất mà tôi từng biết đến", đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay của chương trình "Master Chef" nói về việc săn bắt vây cá mập.
Điều đáng buồn là theo báo cáo của WildAid, khoảng 75% số người dùng súp vây cá mập không nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của món ăn này. Hầu hết các thực khách đều cho rằng cá mập bị cắt vây xong vẫn có thể mọc lại.
Hung thần tuyệt chủng
Hàng năm, tổ chức AWI thường xuyên cập nhật tên, địa chỉ của những nhà hàng bán súp vây cá mập nhưng họ cho biết đến thời điểm hiện tại, cảnh báo trên chẳng có nghĩa lý gì khi người dân vẫn vô tư sử dụng món ăn này. Thậm chí tại 12 bang cấm món súp vây cá mập, các nhà hàng vẫn lén lút bán chúng. Do khung hình phạt khá thấp, nhiều nhà hàng còn công khai kinh doanh bất chấp những lệnh cấm.
Mặc dù chưa có một số liệu chính thức nào thống kê nhưng các chuyên gia ước tính tổng giá trị thị trường vây cá mập trên thế giới đạt khoảng 540 triệu USD đến 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, việc người dân Trung Quốc và Châu Á giàu lên khiến nhu cầu thưởng thức vây cá mập cũng tăng theo, qua đó làm gia tăng lượng đánh bắt loài vật này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo CEO Peter Knight của WildAid, nhiều nước trên thế giới mà đặc biệt là Trung Quốc không cấm súp vây cá mập, bởi vậy chúng vẫn được kinh doanh và tiêu thụ bất kể có lệnh cấm ở Mỹ hay không.
Báo cáo của Liên minh quốc tế bảo vệ thiên nhiên (IUCN) cho thấy việc đánh bắt quá đà đã khiến hơn ¼ số loài cá mập trên thế giới đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Hàng năm, khoảng 73-100 triệu con cá mập các loại bị săn giết để lấy vây.
Tại Liên minh Châu Âu (EU), việc săn bắt vây cá mập chính thức bị cấm từ năm 2003 tại tất cả các vùng lãnh hải của khu vực này
Điều trớ trêu hơn là việc đánh bắt vây cá mập chỉ nhằm sử dụng rất ít nguyên liệu để làm nên món súp trứ danh. Sau khi cắt vây cá, đầu bếp sẽ lọc da và thịt của vây cá mập, chỉ để lại phần sụn xơ để nấu.
Cho đến hiện nay, chính phủ nhiều nước Châu Á vẫn chưa có một chế tài nhất định nào nhằm bảo tồn loài cá mập. Báo cáo của WildAid cho thấy lượng tiêu thụ súp vây cá mập ngày một tăng tại các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan…
Đặc biệt trong những dịp Tết Nguyên Đán, doanh số vây cá mập ở các chợ đầu mối tăng đến 90%, cho thấy người tiêu dùng vẫn say mê với các món ăn sang chảnh mang danh quý tộc mà chẳng quan tâm đến môi trường hay sự tồn vong của 1 giống loài.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị