Giá vàng giảm mạnh, giảm gần 2%, do USD tăng cao. Theo đó, vàng giao ngay cuối ngày 22/11 giảm xuống 1.811 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 11; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 1,8% xuống 1.817,50 USD.
Các kim loại quý khác cũng đồng loạt lao dốc vì lý do tương tự. Theo đó, bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 24,53 USD/ounce, bạch kim giảm 0,3% xuống 1,028,18 USD, trong khi palladium giảm 3% xuống 1,999,49 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals, cho biết: "Vàng bị bán tháo do quan ngại rằng có thể Fed sẽ tiếp tục đường lối chính sách tiền tệ hiện tại khi ông Powell được đề cử thay vì bà Lael Brainard".
Ông Wyckoff cho biết: "Nhưng đó chỉ là một phản ứng giật gân của thị trường vàng, khi đồng đô la tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Tin tức này cũng khiến lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt."
Đồng đô la mạnh hơn làm cho vàng thỏi trở nên đắt đỏ đối với người mua ở nước ngoài trong khi lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng so với tiền tệ.
Về mặt kỹ thuật, theo chuyên gia Wyckoff của Kitco, việc phá vỡ dưới 1.800 USD/ounce sẽ khiến vàng tiếp tục giảm, với mức quan trọng tiếp theo cho giá vàng kỳ hạn tương lai sẽ là khoảng tương lai là 1.758 USD, mức thấp nhất trong tháng 11.
Giá vàng lao dốc sau tin ông Powell được đề cử giữ chức Chủ tịch Fed nhiệm kỳ mới.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn đang tranh luận về việc liệu có nên rút mạnh hơn nữa hay không các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với lạm phát, sau khi một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất của Fed báo hiệu rằng ý tưởng đó sẽ được đưa ra bàn tại cuộc họp tháng 12.
Nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets của Anh cho biết khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng đã mang lại lợi ích cho đồng đô la và thúc đẩy suy đoán Fed có thể tăng tốc độ cắt giảm kích thích kinh tế.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt đã tăng 0,27% sau thông tin này, lên 96,29, cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Western Union Business Solutions ở Washington, cho biết: "Với việc ông Powell sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Fed nhiệm kỳ thứ hai cho thấy một triển vọng chính sách tiền tệ ‘diều hâu’ hơn so với việc Fed sẽ dưới sự lãnh đạo của bà Brainard", "Có vẻ như tốc độ tăng lãi suất của Mỹ dưới thời ông Powell sẽ mạnh mẽ hơn, và điều đó nói chung tích cực cho đồng USD."
Dự kiến đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ tiến hành vào tháng 6/2022, và đợt thứ 2 có thể vào tháng 12, sau đó mỗi lần thêm 0,25 điểm phần trăm.
Nhà Trắng ngày 22/11 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Jerome Powell làm Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiệm kỳ 2, đồng nghĩa với việc ông Powell sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò giám sát sự phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới sau đại dịch COVID-19. Để chính thức trở thành Chủ tịch Fed trong nhiệm kỳ mới, quyết định đề cử của Nhà Trắng này cần được Thượng viện thông qua.
Ông Powell là thành viên đảng Cộng hòa, có kinh nghiệm điều hành ngành tài chính trong nhiều năm. Ông trở thành một trong số các thành viên Hội đồng thống đốc FED vào năm 2012 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn vào vị trí người đứng đầu cơ quan này từ năm 2018.
Trong nhiệm kỳ tới, ông Powell dự kiến sẽ tiếp tục điều hành FED giải quyết những với những tổn thất và thiệt hại nặng nề mà kinh tế Mỹ hứng chịu trong năm 2020 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành nghiêm trọng nhất tại Mỹ. Một nhiệm vụ đáng chú ý khác của ông Powell sẽ là giải bài toán lạm phát tăng cao trong vài tháng trở lại đây, vốn đang gia tăng sức ép lên chính quyền Tổng thống Biden, cũng như FED trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tham khảo: Reuters, Kitco
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh tế