Những bãi rác… tự phát ở khu phố của tôi, nằm bên hông Trường ĐH Luật, nằm ngay bảng cấm là đủ thứ rác từ tấm nệm cũ đến rác sinh hoạt hằng ngày!
Nơi tôi ở là một khu phố thuộc phường HBC (TP Thủ Đức). Ở đây điều kiện sống rất lý tưởng khi nằm cạnh sông Sài Gòn, luôn mát mẻ và khá trong lành.
Từ ngày được nâng lên "thành phố", xem đài, đọc báo, buổi sáng các cụ đi thể dục ai cũng rộn ràng vui mừng, mong chờ môi trường sống sẽ nâng tầm cho xứng đáng với kỳ vọng một thành phố vệ tinh, góp phần đưa TP.HCM thăng hoa.
Tuy nhiên, trước khi làm được những điều to tát, như là "đô thị thông minh", thì trước tiên phải làm tốt những chuyện nho nhỏ, cụ thể đó là chuyện… rác!
Ôi, nói đến chuyện rác thì buồn lắm. Bức tường dài của Trường ĐH Luật, bên kia đường cũng là một bức tường của một salon ôtô, nên cả hơn trăm mét không có hộ dân nào. Thế là nó trở thành một địa điểm "lý tưởng" để vứt rác.
Đi vào thêm vài trăm mét, có một khu đất trống chưa xây cất, chủ nhân chỉ mới dựng hàng rào tôn che chắn. Và đó cũng là một bãi rác từ trên trời rơi xuống, bất chấp một bảng cảnh báo: CẤM ĐỔ RÁC - CÓ CAMERA QUAN SÁT! Tôi chẳng biết có camera thật không? Nếu có, sao chính quyền không dùng nó để truy tìm những kẻ vứt rác bừa bãi?
Đi vào thêm vài trăm mét nữa, có một con hẻm cụt sát con kênh, cũng khá vắng vẻ nên nó trở thành một bãi "chiến trường" tập trung những loại rác cồng kềnh… Riết rồi cái đoạn hẻm ấy không ai dám bước vào.
Tôi hỏi anh bạn trẻ phụ trách đổ rác của khu phố này, anh bảo: "Họ tiếc tiền đó chú ơi! Tiền rác một tháng có 50.000 đồng à, vậy mà nhiều người không chịu đóng. Không đóng thì cháu không thể lấy rác của họ mang đi. Và không lấy thì chỉ mang đi đổ lén khắp nơi…".
Không lẽ nghèo đến độ không có 50.000 đồng/tháng cho chuyện đổ rác? Tôi không tin điều đó, và cho dù có nghèo thật, cũng đừng đổ cho "nghèo" bởi ông bà mình có câu "đói cho sạch, rách cho thơm" mà.
Tôi nghĩ vấn đề ở đây là nhận thức. Và một trong những biện pháp để xây dựng nhận thức là sự nghiêm minh của chính quyền địa phương. Không thể nào khác, phải thực hiện vài vụ phạt đến nơi đến chốn thôi!
Mời tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống
Xây dựng một thành phố xanh - sạch - đẹp là mục tiêu đặt ra cả hàng chục năm nay ở TP.HCM. Mục tiêu ấy không có gì để bàn cãi về tính đúng đắn của nó. Nhưng cả hàng chục năm rồi, đích đến của mục tiêu ấy vẫn cứ ở phía trước…
Hãy thử bỏ ra vài chục phút đồng hồ để đi bộ dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc, bạn sẽ thấy hai khía cạnh đối lập của chuyện xanh - sạch - đẹp:
1- Mảng sáng được thể hiện bởi những hàng cây xanh chạy dài trên những bãi cỏ xanh mướt, được chăm sóc mỗi ngày bởi các công nhân môi trường đô thị.
2- Nhưng mảng tối vẫn còn đó khi nhìn xuống dòng kênh. Nếu nhớ về cái thời Nhiêu Lộc là một con kênh nước đen của những khu nhà ổ chuột thì quả là một sự lột xác. Nhưng nếu nhìn về tương lai với mục tiêu như Singapore thì "cuộc chiến" với thói quen xấu - xả rác bừa bãi - vẫn còn đầy cam go, khi những chiếc thuyền vớt rác vẫn mỗi ngày phải hốt hàng chục tấn rác thải!
Xả rác bừa bãi là một câu chuyện vào loại "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng vẫn cứ phải nói, nói nữa, nói mãi! Và đó là lý do để Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Môi trường nơi tôi sống"!
Nội dung bài viết tham gia diễn đàn có thể là phản ánh một chuyện chưa tốt, xấu xí để thay đổi thói quen xấu; hoặc kể về một câu chuyện tốt nơi mình ở để lan tỏa hình ảnh đẹp, kinh nghiệm hay đến với cộng đồng; hoặc cũng có thể là chùm ảnh với chú thích đầy đủ. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
Yêu cầu bài viết không quá 800 từ, cần có ảnh kèm theo. Bài chọn đăng sẽ được trả nhuận bút cao. Bài viết gởi về qua email: baoky@tuoitre.com.vn; hoặc thư tay gởi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
TUỔI TRẺ
TTO - Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã xin lỗi trước nhân dân 2 khu phố ở phường Hòa Xuân Tây vì việc chậm trễ xây dựng bãi rác mới, trong khi bãi rác cũ gặp sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Xem thêm: mth.68523959032111202-oehgn-ohc-od-gnud/nv.ertiout