Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới là phải giải quyết được vấn đề "nóng" nhất: Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại.
Không để bị động từ nguyên liệu nhập khẩu
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, hiện Tổng Công ty May 10 (May 10) đang phải phụ thuộc khoảng 60% nguồn cung nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Thế mạnh của May 10 là sản xuất các sản phẩm may mặc cuối cùng như veston, sơmi... Chỉ tính riêng về mặt nguyên liệu vải, hiện May 10 đang phải nhập khẩu trên 60% từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước phát triển như Châu Âu, Ý, và Tây Ban Nha…
“Tôi có thể khẳng định, nếu thiếu công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu không chủ động sẽ là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp như chúng tôi. Việc khơi thông “điểm nghẽn” này đồng nghĩa với việc đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ để có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu” – ông Thân Đức Việt khẳng định.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng thừa nhận, hiện nay Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải.
Vì vậy, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 phải định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu.
Còn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh – thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: "Thiết kế một số nhãn mang tên tuổi Việt Nam, dứt khoát không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước. Chúng ta đã có May 10, Thắng Lợi, An Phước… thì phải coi đây là phong trào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giành được thị phần trong nước, tăng cạnh tranh với nước ngoài".
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích mà các FTA mang lại, ngành dệt may trong nước phải đáp ứng được các quy tắc ứng xử. Cụ thể, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là quy tắc “từ sợi trở đi”; với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là “từ vải trở đi”.
“Ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó. Khi xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 cần chú trọng giải quyết vấn đề này” – ông Giang nói.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may Việt Nam – ông Phạm Văn Lượng cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam rất cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững để ngành dệt may Việt Nam phát triển xanh hơn, bền vững hơn.
Theo đó, cần khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu, quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, để cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có ngành dệt phát triển cao hơn.
"Cần xây dựng một số khu công nghiệp ngành dệt may đồng bộ bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải-may mặc, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn" - ông Lượng nói.
Dệt may và da giày là 2 trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động. Để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện để ngành dệt may phát triển đúng tầm, Bộ Công Thương đang tập hợp góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 trình Chính phủ phê duyệt, ban hành trong năm 2021.
Xem thêm: odl.187679-iohp-ihc-iaogn-pahn-ueil-neyugn-ed-gnohk-yam-ted-hnagn-coul-neihc/et-hnik/nv.gnodoal