Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/11 đã đề cử Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nhiệm kỳ 2. Việc này sẽ giúp ông Powell có thêm thời gian thực hiện cải tổ chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 70, đồng thời kéo nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng do đại dịch. Bà Lael Brainard – người từng là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này, sẽ đảm nhận chức Phó chủ tịch.
Thách thức của họ là duy trì tăng trưởng việc làm cho Mỹ, đồng thời đảm bảo lạm phát cao không kéo dài. "Chúng ta đã đi từ nền kinh tế đóng sang nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng", Biden cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng khi đề cử Powell.
Ông nhận xét "sự lãnh đạo ổn định" của Powell đã xoa dịu các thị trường khi hoảng loạn. Các chính sách tiền tệ của Powell đã hỗ trợ tối đa thị trường lao động. Biden nói: "Tôi tin Jay là người phù hợp để dẫn dắt kinh tế".
Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều tác động của đại dịch, trong đó có lạm phát. Tuy nhiên, Biden cho rằng nước này đã "có bước tiến lớn", khi tạo ra gần 6 triệu việc làm kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Lương cũng đang tăng. Đây là các dấu hiệu tích cực cho thấy sự hiệu quả của Fed.
"Tôi ngưỡng mộ sự độc lập của Jay", Biden cho biết, phản bác những chỉ trích từ chính đảng Dân chủ về việc phải thay Powell (đảng Cộng hòa) bằng người của đảng Dân chủ, "Ở thời điểm bất ổn lớn về kinh tế như thế này, chúng ta cần sự ổn định và độc lập của Fed".
Powell (68 tuổi) và Brainard (59 tuổi) sẽ cần được Thượng viện phê chuẩn để chính thức đảm nhận vị trí tại Fed. Một số vị trí tại Fed vẫn đang bỏ trống và có thể được Biden đề cử vào tháng sau.
Chính sách tiền tệ cốt lõi của Fed là quản lý lạm phát và thiết lập lãi suất khi nền kinh tế tái mở cửa trong đại dịch. Vì thế, Biden muốn hoạt động của cơ quan này được liên tục. "Powell và Brainard đều là những nhà hoạch định chính sách kỳ cựu và có rất ít bất đồng", Adam Posen – Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét.
Powell là người đảng Cộng hòa, do cựu Tổng thống Donald Trump đề cử. Brainard thì từng làm việc trong các chính quyền Dân chủ trước đây. Vì thế, "họ sẽ mang lại sự đáng tin, không phụ thuộc đảng phái khi đánh giá rủi ro lạm phát" mà Mỹ đang đối mặt.
Lãi suất có thể tăng sớm hơn dự kiến nếu lạm phát kéo dài hơn kỳ vọng. "Chúng ta đều biết lạm phát cao gây thiệt hại cho các gia đình", Powell cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng khi được đề cử. Brainard cũng cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và Fed sẽ "phục vụ toàn bộ người dân Mỹ".
Chứng khoán Mỹ đồng loạt lập đỉnh sau thông tin trên. Cả lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng đôla đều tăng. Ngược lại, giá vàng giảm tới hơn 40 USD một ounce, về sát 1.800 USD.
Việc tái đề cử ông Powell được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và cả các thành viên Quốc hội hai đảng. Các động thái mạnh mẽ của Fed từ đầu đại dịch năm ngoái được coi là đã giúp Mỹ né được khủng hoảng kinh tế. Một số ca ngợi ông tập trung vào công việc. Số khác cho rằng việc thay chủ tịch Fed hiện tại là quá mạo hiểm.
Nhiệm kỳ 2 của Powell sẽ bắt đầu vào tháng 2. Các tháng tới đây sẽ quyết định điều gì sẽ là di sản của ông trong vai trò chủ tịch Fed – kéo số việc làm lên cao, hay khiến lạm phát tăng vọt và kéo dài.
Powell làm thống đốc Fed từ năm 2012. Ông không kỳ vọng được chỉ định vào chức vụ này khi Trump đắc cử. Ông từng làm việc tại The Carlyle Group – một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới và không được đào tạo chính thức về kinh tế học. Vì thế, Powell chỉ nhắm đến chức phó chủ tịch phụ trách giám sát. Dù vậy, ông vẫn được bỏ phiếu thông qua để nhận vị trí Chủ tịch.
Trong thời gian làm việc, ông nhiều lần bị Trump công kích cả trên mạng xã hội và trên báo chí. Trump từng gọi Powell là "kẻ thù" của nước Mỹ vì nâng lãi suất.
Dù vậy, Powell không chỉ trụ lại được mà còn làm tốt công việc của mình. Ông ban đầu là người theo chủ nghĩa thắt chặt, nhưng sau đó lại nghiên cứu xem liệu việc Fed tập trung vào lạm phát có khiến công nhân thiệt hại hay không. Thời gian khủng hoảng tài chính 2007 – 2009 đã chứng thực suy luận này.
Tháng 11/2018, Powell công bố bản đánh giá chính sách của Fed. Đến tháng 8/2020, cơ quan này công bố chiến lược chính sách tiền tệ mới, cho phép kinh tế tăng trưởng nóng hơn, dài hơn, chấp nhận lạm phát cao tạm thời. Mục đích của họ là tạo ra tăng trưởng việc làm đủ cho cả xã hội và thu hẹp khoảng cách về lao động giữa các nhóm người.
Cách tiếp cận này phù hợp với việc bản chất kinh tế Mỹ khi đó thay đổi, cũng như lấp đầy khoảng trống trên thị trường việc làm khi đại dịch xảy ra. Dù vậy, sau một năm, lạm phát Mỹ đang cao nhất 3 thập kỷ, do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ vượt nguồn cung nguyên liệu. Nhiều người vẫn chưa tìm được việc làm do hàng quán đóng cửa vì đại dịch.
"Các lãnh đạo mới của Fed đang phải đối mặt với giai đoạn cực kỳ thách thức", Krishna Guha – Phó chủ tịch Evercore ISI nhận định.
Hà Thu (theo Reuters)