Người tiêu dùng Mỹ dường như đã sẵn sàng quay lại kỳ nghỉ lễ với những bữa tiệc quây quần bên bạn bè và người thân, mua sắm tại các trung tâm thương mại sầm uất và thậm chí là đi du lịch. Sau sự gia tăng đột biến vào mùa hè thì giờ tình hình dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể. Cứ 5 người Mỹ thì có khoảng 3 người được tiêm, nhờ vậy mà mọi người có thể an tâm và sẵn sàng quay lại thói quen nghỉ lễ truyền thống.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không thể giống hoàn toàn như trước khi có Covid.
Người tiêu dùng đã hình thành những thói quen và những nỗi lo mới như nhà máy phải ngừng hoạt động, hàng hóa bị ứ đọng tại cảng hay tình trạng thiếu lao động,...Điều này có thể khiến họ tiêu dùng một cách dè chừng hơn. Giá cả cũng có thể vì lý do này mà có nhiều biến động.
Người tiêu dùng có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa hình thức mua sắm trực tuyến hoặc mua trực tiếp tại cửa hàng, thậm chí là curbside pickup (hình thức khách hàng sẽ đặt đơn và thanh toán qua hệ thống online của cửa hàng, nhân viên soạn hàng xong sẽ cho vào túi. Khách hàng chỉ việc đến đọc số đơn và lấy hàng).
Giám đốc điều hành của chuỗi siêu thị Macy, Jeff Gennette, cho biết: "Chúng tôi đóng cửa vào ngày Lễ Tạ ơn, đây là một sự thay đổi lớn so với năm 2019. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn sẽ được theo dõi sát sao suốt kỳ nghỉ lễ... và chúng tôi sẽ sẵn sàng phục vụ những khách đã đặt hàng trực tuyến tại cửa hàng lúc 6 giờ sáng sau ngày Lễ Tạ ơn. "
Dưới đây là 4 điểm khác biệt của mùa nghỉ lễ năm nay so với trước kia
Tăng trưởng thương mại điện tử chậm lại
Doanh số bán hàng trực tuyến ở Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 10% lên 207 tỷ USD (theo chỉ số kinh tế số của Adobe Analytics), sau khi đã tăng tới 33% vào năm ngoái. Adobe thống kê số liệu dựa trên hơn 100 triệu sản phẩm trực tuyến và 18 danh mục sản phẩm trực tuyến.
Vivek Pandya, nhà phân tích hàng đầu của Adobe Digital Insights cho biết: "Có rất nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô đang diễn ra ... điều này có thể thúc đẩy người tiêu dùng lưỡng lự giữa việc mua hàng trực tuyến sang mua trực tiếp".
Lo ngại vấn đề hàng sẽ bị mắc kẹt trong quá trình vận chuyển khiến nhiều người muốn mua hàng trực tiếp tại cửa hàng hơn là mua online. Chính vì vậy, sau đợt tăng trưởng năm ngoái, doanh số thương mại điện tử có thể sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, Adobe dự đoán đây sẽ là kỳ lễ đầu tiên mà chi tiêu trực tuyến sẽ vượt mốc 200 tỷ USD.
Người mua sắm trở lại cửa hàng
Rất nhiều người tính đến việc đến các trung tâm thương mại vào ngày Black Friday. Chính vì vậy mà các cửa hàng sẽ bận rộn hơn nhiều so với năm ngoái. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation) dự đoán sẽ có thêm gần 2 triệu người mua sắm từ Ngày Lễ Tạ ơn đến hết Cyber Monday, dù có đến 61% người tiêu dùng đã bắt đầu sắm đồ cho ngày lễ.
Theo NRF, 64% người được khảo sát cho biết họ sẽ mua sắm tại cửa hàng vào ngày Black Friday. Con số này tăng năm ngoái chỉ là 51%.
ICSC, một tổ chức thương mại đại diện cho ngành công nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại, đã thực hiện cuộc khảo sát với 1.005 người từ ngày 24 tháng 9 đến ngày 26 tháng 9. Kết quả cho thấy, một nửa người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch đến các cửa hàng để mua quà trong năm nay. Con số này năm ngoái là 45%.
Người tiêu dùng muốn trực tiếp sờ vào các sản phẩm để đưa ra quyết định có nên mua hàng hay không. Ngoài ra, 3/4 số người cho rằng sẽ đến mua hàng tại trung tâm thương mại cho biết ngoài mua hàng, họ cũng muốn ăn uống hoặc sử dụng thêm các dịch vụ khác tại đây.
Chủ tịch Jean-Marie Tritant, chủ sở hữu trung tâm thương mại toàn cầu Unibail-Rodamco-Westfield Mỹ cho biết: "Tỷ lệ tiêm chủng đang được cải thiện ở một số khu vực, đặc biệt là ở California. "Vì vậy, mọi người thậm chí còn cảm thấy thoải mái hơn khi trở lại những nơi mà họ có thể tụ tập."
Mua hàng trước, trả tiền sau
Người tiêu dùng có cách mới để trang trải chi phí cho các kỳ nghỉ lễ: Mua hàng trước và thanh toán sau.
Hình thức trả góp được dự đoán sẽ trở nên phổ biến trong mùa lễ năm nay. Các dịch vụ này cho phép người mua hàng mua một mặt hàng, mang về nhà ngay lập tức và thanh toán sau theo lãi suất. Mặt khác, thỏa thuận mua hàng yêu cầu nhà bán lẻ phải giữ hàng trước cho người tiêu dùng.
Hình thức mua hàng trước, trả tiền sau đã trở nên phổ biến hơn khi các nhà bán lẻ như Macy's, Walmart và Target thỏa thuận với các công ty như Affirm và Afterpay.
Theo dữ liệu từ Adobe Analytics, doanh thu trực tuyến của hình thức này năm nay tăng 10% so với năm 2020 và tăng 45% so với năm 2019. Trong một cuộc khảo sát của Adobe, một phần tư số người được hỏi cho biết đã sử dụng các gói mua ngay, thanh toán sau trong ba tháng qua. Mặt hàng may mặc, đồ điện tử điện tử và đồ tạp hóa là ba danh mục được mua nhiều nhất.
Lựa chọn các dịch vụ trải nghiệm
Một ngày đi spa. Một buổi tối dùng bữa tại nhà hàng sang trọng hoặc đi xem hòa nhạc. Những món quà như thế này sẽ càng được ưu ái hơn trong năm nay bởi người tiêu dùng muốn được trải nghiệm lại khoảnh khắc bên nhiều người khác. Đây là điều mà họ đã phải bỏ lỡ vào năm ngoái.
Theo một cuộc khảo sát mua sắm vào dịp lễ với khoảng 1.500 người Mỹ vào tháng 8 do công ty tư vấn Accenture thực hiện, khoảng 43% người tiêu dùng có kế hoạch chuyển hướng chi tiêu sang các trải nghiệm và quà tặng dịch vụ trong mùa lễ này. Con số này thậm chí còn cao hơn với những người tiêu dùng trẻ tuổi. 53% người tiêu dùng thuộc thế hệ millennials và 50% thuộc thế hệ Z cho biết họ muốn chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm.
Gần 70% người được hỏi cho biết họ dự định mua thẻ quà tặng nhà hàng vào mùa lễ này. Con số này năm ngoái chỉ là 47%. Ngoài ra, thẻ sử dụng các dịch vụ làm đẹp cũng được ưa chuộng.
Đặc biệt, những món quà liên quan đến du lịch đều nằm trong danh sách mong muốn. Theo khảo sát, 40% người ở độ tuổi từ 32 đến 39 - có kế hoạch mua phiếu du lịch hoặc vé máy bay làm quà tặng trong kỳ nghỉ lễ.
Tham khảo CNBC