Sáng nay (23-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua nghị quyết giải thích khoản 1, điều 289 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1, điều 289 của Bộ luật hình sự năm 2015 được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
Theo quy định của điều luật nêu trên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thu lợi bất chính từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng; đối với trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 1 tỉ đồng trở lên.
TTO - Trong thời gian từ tháng 10-2020 đến nay, 5 nghi phạm đã gây ra hơn 40 vụ hack Facebook, chiếm đoạt trên 2 tỉ đồng của khoảng 20 bị hại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.