Lý do Đức đưa ra cho quyết định này là do thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, theo Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA), quyết định của Đức có thể là minh chứng thực tế đầu tiên cho thấy, nước này cuối cùng đang muốn "câu giờ" để suy nghĩ lại về chiến lược khí đốt phụ thuộc vào Nga.
Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã phản đối đường ống do lo ngại nó sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.
ĐỨC TỰ BẮN VÀO CHÂN
Tuy nhiên, đúng như lo ngại, quyết định nêu trên đã ngay lập tức tác động tới giá khí đốt trong bối cảnh châu Âu kỳ vọng Nga sẽ tăng đáng kể nguồn cung khi Dòng chảy Phương Bắc 2 được phê duyệt.
Sputnik dẫn lời ông Jeremy Weir, Giám đốc điều hành tập đoàn hàng hóa Trafigura của Thụy Sĩ, nhận định, Đức "đang tự bắn vào chân mình" vì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình nhiên liệu ở châu Âu. Ông cho rằng, Berlin nên đẩy nhanh quá trình cấp giấy phép để tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu, vốn có đẩy nước này và cả châu Âu vào một mùa đông lạnh giá, tối tăm.
Đức đã tạm đình chỉ cấp phép giấy chứng nhận dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: AP
"Châu Âu chưa đủ khí đốt dự trữ cho mùa đông. Chúng tôi lo ngại trong mùa đông lạnh giá năm nay, tình trạng mất điện sẽ xảy ra", ông Weir nói.
Khoảng 40% khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết có thể giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu khi các cơ quan quản lý của Đức cho phép khí đốt bắt đầu chảy qua Dòng chảy Phương Bắc 2.
Nga đã bơm khí đốt thông qua Dòng chảy Phương Bắc 1 với khả năng mang theo 55 tỷ mét khối. Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi khối lượng đó và biến Đức trở thành trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu.
CHÂU ÂU LO SỢ NGA SẼ "SIẾT DÂY THÒNG LỌNG"
Cú "quay gót 180 độ" của Đức thật sự khiến Nga bất ngờ và hẳn nhiên là rất cay cú và có thể sẽ bùng nổ căng thẳng đáng lo hơn nữa.
Theo CEPA, khí đốt là "vũ khí" chiến lược của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong "cuộc chiến" với phương Tây. Ông chủ Điện Kremlin sẽ luôn sử dụng quyền lực mà châu Âu trao cho để chống lại châu Âu.
Mục tiêu chiến lược lớn của Điện Kremlin là buộc phần lớn Trung và Đông Âu (CEE), bao gồm cả các nước Baltic vào một vùng ảnh hưởng mới của Nga. Với mùa đông sắp đến và châu Âu gặp nhiều xáo trộn, theo CEPA, đây rõ ràng là thời cơ tốt để ông Putin khai thác sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga.
Ảnh. Daily Sabah.
Trên thực tế, cho đến nay, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang rất sợ Nga và đồng minh Belarus, sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn lục địa này.
Những người chỉ tích cho rằng, nỗ lực của Điện Kremlin vào cuối năm nhằm buộc Ủy ban châu Âu phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 mới được xây dựng nhưng vẫn chưa được sử dụng - chạy dọc theo đáy biển Baltic - bằng cách tăng giá khí đốt trên thị trường giao ngay, đã minh chứng cho chiến lược này của Moscow.
Châu Âu ngờ rằng Nga đang cố tình giữ lại lượng khí đốt tự nhiên để tìm cách gây áp lực để Đức và Brussels nhanh chóng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2.
Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này. Theo các nguồn tin, Nga đã và đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với các khách hàng châu Âu, nhưng từ chối cung cấp nhiều hơn đáng kể khi cầu ngày càng vượt xa cung. Điều đó đã làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng ở lục địa già, nhất là khi mùa đông đang ở ngay trước cửa ngõ.
Giới quan sát cho rằng, thực tế đáng lo ngay trước mắt là cơ hội để thúc đẩy EU thực hiện các bước phê duyệt cuối cùng cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đức trước khi có quyết định đình chỉ trên cũng là bên ủng hộ mạnh mẽ dự án này. Chính phủ Thủ tướng Merkel gọi Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận kinh doanh, chứ không phải chiến lược địa chính trị.
Nhưng một số chuyên gia cảnh báo, nếu Đức dẫn dắt châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga (như họ vẫn có thể làm) thì nước này sẽ không chỉ "thắt dây thòng lọng" cho mình mà còn cả phần còn lại của châu Âu. Có thể điều này khiến Berlin dần chùn bước, CEPA bình luận.