Theo tờ SCMP, thỏa thuận nói trên được ký vào tháng 1/2020, là thỏa thuận “ngừng bắn” giữa Trung Quốc và Mỹ sau hai năm xảy ra chiến tranh thương mại căng thẳng. Năm 2018, Chính quyền Mỹ đã áp đặt mức thuế cao tới 25% với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, sau đó mở rộng ra số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc áp đặt thuế từ 5-25% với nhiều hàng hóa Mỹ.
Kết quả trực tiếp của thỏa thuận thương mại giai đoạn một là hai bên ngừng bổ sung hàng hóa vào diện bị áp thuế cao.
Tuy nhiên, không lâu sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đại dịch COVID-19 ập đến và làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã không thực hiện được các cam kết trong thỏa thuận, khiến dư luận đồn đoán về căng thẳng thương mại mới với Mỹ.
Đầu tháng 11, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với thỏa thuận thương mại giai đoạn một và đang rà soát những điều khoản mà Trung Quốc thực hiện chưa đúng cam kết.
Cam kết 200 tỷ USD
Theo báo cáo tháng 10 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tổng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc mua từ tháng 1/2020 tới tháng 9/2021 chỉ đạt 62% cam kết.
Thu hoạch đậu tương ở Iowa, Mỹ. Ảnh: IC
Ông Lu Xiang, học giả tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định đại dịch COVID-19 đã gây hỗn loạn cả về cung và cầu, khiến Trung Quốc không thể đáp ứng mục tiêu mua hàng Mỹ trong hai năm như cam kết.
Tới nay, mục tiêu mà Trung Quốc đáp ứng sát cam kết nhất là mua nông sản Mỹ. Tính tới tháng 9/2021, tổng nông sản Trung Quốc mua của Mỹ đạt 50,3 tỷ USD, tức 76% cam kết (số liệu của Trung Quốc) hoặc 82% cam kết (số liệu của Mỹ).
Số lượng nông sản kỷ lục được bán cho Trung Quốc đã khiến nông dân Mỹ hài lòng, tạo lợi nhuận cho ngành kinh doanh nông nghiệp và nâng giá hàng hóa. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết ông tin rằng Trung Quốc đang thực hiện trách nhiệm mua nông sản của Mỹ. Nhưng tới tháng 10, ông Vilsack lại tỏ ra cứng rắn hơn khi nói Trung Quốc vẫn còn lượng nông sản 5 tỷ USD nữa phải mua theo cam kết.
Ông Pan Chenjun, nhà phân tích tại Rabobank nhận định: Đại dịch, nguồn cung thịt lợn quá nhiều, sản lượng ngũ cốc tăng ở Trung Quốc trong năm 2021 cũng đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Ông nói: “Tôi nghĩ sẽ rất khó để Trung Quốc đạt mục tiêu giai đoạn một với hàng nông sản trong khoảng thời gian còn lại”.
Đại dịch cũng làm giảm nhu cầu của Trung Quốc với những thứ như máy bay Boeing – loại hàng hóa đắt tiền có thể giúp Trung Quốc đạt mục tiêu đã cam kết với Mỹ nhanh hơn. Theo tính toán, Trung Quốc mới mua 61% sản phẩm chế tạo so với mục tiêu trong thỏa thuận tính tới tháng 9.
Về hàng năng lượng, Trung Quốc mới đạt 49% mục tiêu tính tới tháng 9.
Ông Lu Xiang cho rằng Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề trên một mình. Ông nói: “Hai bên lẽ ra phải liên lạc thường xuyên trong những tháng vừa rồi về cách đạt mục tiêu 200 tỷ USD. Tôi nghĩ từ phía Trung Quốc, họ vẫn có thể đạt mục tiêu, nếu không đạt được trong năm nay thì có thể năm sau, năm sau nữa Trung Quốc có thể mua bù”.
Do đại dịch mà việc cân bằng thương mại với Trung Quốc không còn là ưu tiên của Mỹ. Các siêu thị ở Mỹ sẽ trống trơn nếu Mỹ muốn cân bằng thương mại. Mỹ thực sự cần mua nhiều hàng Trung Quốc hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung.
Các cam kết khác
Các cam kết khác trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một gồm cải cách cơ cấu trong những lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính và tiền tệ. Tất cả đều nhằm giúp doanh nghiệp Mỹ được bảo vệ nhiều hơn và được tiếp cận rộng hơn trong làm ăn ở Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ở Washington D.C. ngày 15/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Trung Quốc thường yêu cầu công ty nước ngoài lập liên doanh với đối tác Trung Quốc, khiến công ty Mỹ thường phàn nàn về tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ. Họ cũng phải chịu áp lực chuyển giao công nghệ để đổi lấy tiếp cận thị trường.
Trung Quốc đã đưa ra một luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ năm 2020 để giải quyết các lo ngại trên của Mỹ. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề. Theo khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, 16% người được hỏi cho biết họ vẫn cảm thấy buộc phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc sau khi có luật mới.
Trong khi đó, khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc năm 2020 cho thấy 13% công ty đã bị đối tác Trung Quốc yêu cầu chuyển giao công nghệ. Con số 13% này cao hơn năm trước.
Báo cáo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hồi tháng 4 cũng cáo buộc Trung Quốc không cải cách đủ trong lĩnh vực bảo vệ tài sản trí tuệ. Báo cáo cho rằng hơn 80% hàng giả bị tịch thu ở Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Năm 2020, Trung Quốc cũng giảm các hạn chế đầu tư nước ngoài khi giảm số lượng ngành mà nhà đầu tư nước ngoài từng bị cấm hoặc hạn chế từ 131 xuống 123 năm 2020. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục giảm nữa và tiếp tục mở cửa ngành sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp cho nhà đầu tư. Trung Quốc đã cấp hàng loạt giấy phép cho các ngân hàng Phố Wall và nhà quản lý tài sản nước ngoài, cho phép họ kiểm soát hoàn toàn liên doanh chứng khoán ở Trung Quốc.
Đại diện thương mại Mỹ cho biết sẽ thảo luận với Trung Quốc về tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Bà Tai cũng cho biết dù lạm phát ở Mỹ cao và áp lực từ các doanh nghiệp muốn giảm thuế với hàng Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn sẽ rà soát các mức thuế với hàng Trung Quốc, coi đây là một phần chiến lược để giành lợi thế trong cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc.
Thuỳ Dương
Báo tin tức