vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất khẩu tôm năm 2021 tăng trưởng tốt, dự kiến đạt hơn 3,8 tỷ USD

2021-11-23 18:16

Dự kiến xuất khẩu tôm tăng 2,7% so với năm 2020 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam tháng 10/2021 đã đạt gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch 425,3 triệu USD (giảm 1,5%).

Trong đó, thị trường Mỹ đạt 117,7 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 892,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng và duy trì đà tăng trưởng đến quý I/2022.

Từ đầu năm đến nay, XK tôm Việt Nam sang EU cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tháng 10/2021 đạt gần 74 triệu USD, tăng 13% so với tháng 10/2020. Tổng 10 tháng đầu năm 2021, XK tôm Việt Nam sang EU đạt gần 482 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu tôm năm 2021 tăng trưởng tốt, dự kiến đạt hơn 3,8 tỷ USD

Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam.

Còn XK tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm liên tục từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân là do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ virus corona trên thủy sản nhập khẩu khiến thông quan tại các cảng ở Trung Quốc bị ách tắc.

Ngoài ra, ngành sản xuất và XK thủy sản Trung Quốc bị ảnh hưởng giảm bởi dịch Covid-19 nên dường như nước này cũng muốn bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản nội địa, nên tìm cách hạn chế nhập khẩu. Trung Quốc cũng đã và đang tăng cường truyền thông mạnh người dân sử dụng sản phẩm nội.

Tháng 10/2021, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 43,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ. Tổng 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 341,5 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, sau khi nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9, doanh nghiệp đang từng bước phục hồi sản xuất, tuy vậy còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cần thiết nhất lúc này là người lao động được tiêm đầy đủ vắc xin, cùng với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước để doanh nghiệp có thể khôi phục tối đa công suất hoạt động, tận dụng cơ hội từ phía các thị trường nhập khẩu.

Dự kiến XK tôm Việt Nam cả năm 2021 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.

Đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ những tháng cuối năm 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt 644,6 nghìn tấn, trị giá gần 5,6 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ, tôm thịt đông lạnh (tôm thẻ, tôm sú) chiếm tỷ trọng cao nhất với 179 nghìn tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD. Tuy vẫn là nhóm sản phẩm tôm nhập khẩu lớn nhất, nhưng tôm thịt đông lạnh các cỡ nhập khẩu vào Mỹ đều giảm từ 16-42% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhập khẩu nhóm sản phẩm tôm chế biến vào Mỹ lại tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, nhập khẩu tôm sú, tôm thẻ chế biến tăng 15% về khối lượng và 17% về giá trị; nhập khẩu tôm bao bột tăng lần lượt 23% và 25%.

Nhờ tăng trưởng mạnh, tôm sú, tôm chân trắng chế biến đang đứng thứ hai trong các nhóm sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ với 89 nghìn tấn, trị giá 924 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy, nhập khẩu tôm vào Mỹ trong năm nay có xu hướng khá rõ rệt là tăng nhập khẩu tôm chế biến, giảm nhập khẩu các sản phẩm tôm đông lạnh.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu tôm năm 2021 tăng trưởng tốt, dự kiến đạt hơn 3,8 tỷ USD (Hình 2).

Đây là cơ hội lớn để ngành tôm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ trong những tháng qua và trong thời gian tới, bởi thế mạnh cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ là các sản phẩm chế biến sâu chứ không phải tôm đông lạnh (vốn là thế mạnh của các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador …).

Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm chế biến của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, với mức tăng từ 16-35% tùy loại sản phẩm. Trong khi đó, nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ lại giảm mạnh tới 41% do khó cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự từ Ấn Độ và Ecuador (là 2 nguồn cung có sản lượng tôm nguyên liệu lớn, giá rẻ).

Nhờ sản phẩm tôm chế biến đều tăng trưởng mạnh nên xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung vào Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng tốt. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 775 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ tăng trưởng tốt của xuất khẩu tôm chế biến vào Mỹ, tôm Việt Nam hiện đang đứng trong Top 5 những nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này, khi chiếm thị phần 12% trong tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ.

Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan hiện đang là 5 nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ. 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều tăng mạnh, trong khi nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Indonesia tăng nhẹ 6% và từ Thái Lan giảm 4%.

Theo một số chuyên gia ngành tôm, thị phần tôm Việt Nam ở Mỹ tăng lên, chứng tỏ Mỹ đã “mở cửa” tiêu dùng sớm và nhu cầu thực phẩm, trong đó có tôm, nhất là tôm chế biến tăng cao.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu tôm năm 2021 tăng trưởng tốt, dự kiến đạt hơn 3,8 tỷ USD (Hình 3).

Dịch bệnh Covid -19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên thế giới, nhất là các thị trường như Mỹ, EU ... Dòng thực phẩm tiện lợi, đóng gói nhỏ ngày càng được ưa chuộng. Người tiêu dùng có xu thế chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất.

Chính vì vậy, xuất khẩu tôm chế biến sang Mỹ sẽ còn nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ Giáng sinh, đón năm mới 2022.

Người dân phấn khởi vì giá tôm thẻ trắng tăng cao 

Hiện nay, giá tôm thương phẩm tại Bến Tre đang tăng cao; nhất là tôm thẻ chân trắng cỡ lớn.

Mức giá có nơi tăng hơn 60.000-80.000 đồng/kg so với 5 tháng trước đó. Nông dân phấn khởi vì giá tôm tăng cao sau thời gian xuống dốc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vừa thu hoạch hơn 5 tấn tôm với kích cỡ 20 con/kg có giá 255.000 đồng/kg, ông Đặng Văn Bảy, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vui mừng vì giá tôm đã tăng trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ông Bảy cho biết, do áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, con tôm đạt kích cỡ lớn giá bán cao hơn so với nuôi trên ao đất theo cách truyền thống trước đây.

Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho hay, nếu áp dụng theo cách nuôi truyền thống con tôm thẻ chân trắng khó đạt kích cỡ lớn, cao nhất chỉ đạt khoảng 50-60 con/kg, do đó giá tôm sẽ không cao. Ngoài ra, sản lượng tôm dễ bị hao hụt do ảnh hưởng dịch bệnh từ ao nuôi. 

Hiện ông Sấm đầu tư hơn 20 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, lợi nhuận mỗi năm đạt 4-5 tỷ đồng. Ông Sấm chia sẻ, với giá tôm tăng cao như hiện nay giúp nông dân có điều kiện tái sản xuất sau khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Hiện tôm có kích cỡ 100 con/kg có giá 100.000-105.000 đồng/kg, tôm cỡ 50 con/kg có giá 120.000-130.000 đồng/kg…

Theo ông Sấm, giá tôm hiện nay tăng đều ở các loại kích cỡ. Vì thế, người nông dân vui mừng và an tâm hơn vì thị trường tiêu thụ đa dạng. Bên cạnh đó, giá loại tôm có cỡ lớn từ 20-30 con/kg tăng khá cao nên thu hút người dân đầu tư chuyển đổi sang nuôi tôm theo công nghệ cao hai giai đoạn. Vì chỉ áp dụng theo hướng mới này tôm nuôi mới đạt được loại lớn so với nuôi tôm theo hình thức truyền thống như trước đây.

Ông Sấm so sánh, nếu nuôi theo hướng công nghệ cao hai giai đoạn, 1 ha chỉ cho nuôi khoảng 1.500 m2 mặt nước, nhưng cho năng suất tăng hơn 4 lần so với nuôi truyền thống, tôm thường đạt kích cỡ từ 20-30 con/kg, do đó bán được giá cao hơn lợi nhuận tăng thêm rất nhiều.

Theo các thương lái thu mua tôm, giá tôm thẻ hiện nay tăng cao do thị trường tiêu thụ trong nước tăng mạnh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhất là các loại tôm có kích cỡ lớn được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa đang vào vụ mùa nghịch, nông dân giảm diện tích thả nuôi nên nguồn cung thị trường giảm phần nào ảnh hưởng đến giá tôm như hiện nay. Mặt khác, đang vào dịp cuối năm nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng để cung ứng và cần nguồn tôm nguyên liệu lớn. Điều này, dẫn đến giá tôm tăng cao như hiện nay, nhất là các loại tôm có kích cỡ lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, giá tôm tăng cao sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh đã mở ra tín hiệu vui cho người dân vùng biển. Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, sản lượng đạt hơn 55.000 tấn/năm. Hiện nay người dân đang dần chuyển đổi sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, nuôi tôm quảng canh cải tiến mang lại hiệu quả cao lợi nhuận tăng lên nhiều lần so với nuôi tôm theo cách truyền thống như trước đây.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Xem thêm: lmth.018435a-dsu-yt-8-3-noh-tad-neik-ud-tot-gnourt-gnat-1202-man-mot-uahk-taux/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất khẩu tôm năm 2021 tăng trưởng tốt, dự kiến đạt hơn 3,8 tỷ USD”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools