Giá vàng tụt khỏi ngưỡng kháng cự; Người tiêu dùng đón Black Friday sớm; Dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga rất lớn... là những tin tức kinh tế đáng chú ý 24h qua.
Giá vàng tiếp tục lao dốc, tụt khỏi ngưỡng kháng cự
Giá vàng thế giới và trong nước kéo dài chuỗi giảm sâu, tụt xuống dưới mức 60 triệu đồng/lượng. Thông tin Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell tiếp tục nắm quyền đã tác động mạnh đến thị trường kim loại quý, đồng USD và trái phiếu.
Giá vàng SJC sáng 23.11 được niêm yết ở ngưỡng 58,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 59,52 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giảm ở cả 2 chiều lần lượt là 650.000 đồng và 500.000 đồng.
Trong khi đó, vàng DOJI niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 58,55 triệu - 59,40 triệu đồng/lượng. Giảm 450.000 đồng và 500.000 đồng ở cả hai chiều, chênh lệch giá mua - bán thu hẹp. Xem thêm...
Người tiêu dùng đón Black Friday sớm
Lễ hội mua sắm lớn nhất năm Black Friday năm nay đã được triển khai sớm và kéo dài hơn để tối ưu lợi nhuận. Người tiêu dùng vì thế hưởng lợi để "săn sale" nhiều hơn, tránh "đúng ngày bị chật cứng".
Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 26.11.2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh đã khởi động sớm và kéo dài hơn bình thường để tối ưu lợi nhuận.
Ông Nguyễn Quang Đức - Giám đốc Marketing tại hệ thống siêu thị điện máy Pico cho biết, lượng hàng hoá năm nay không được dồi dào, có khả năng khan hiếm, nhất là những model bán chạy của các hãng. Xuất nhập khẩu và nhu cầu yếu đi nên các nhà sản xuất đã thu hẹp quy mô xuất xưởng chỉ còn vừa đủ, tránh nhiều quá dẫn đến tồn kho, ứ đọng. Xem thêm...
Có quy định mới, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được chi như thế nào?
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thông tư quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố hình thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Xem thêm...
Dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga rất lớn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Nhập khẩu từ Nga chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Mặc dù Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Liên bang Nga trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng hiện nay, Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga. Xem thêm...