Em Nguyễn Thị Anh Thư cho biết sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm khi lên TP.HCM học đại học - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hơn 18 năm trời, dì Hai thay mẹ nuôi nấng, dìu bước Nguyễn Thị Anh Thư - tân sinh viên Trường đại học Nội vụ chi nhánh TP.HCM - vào đời. Cánh cửa đại học mở ra cho Thư trong lo lắng của người dì: "Tui cũng lớn tuổi rồi, chắc lo không nổi quá...".
Tình thương bao la của dì
Len lỏi qua những con đường nhỏ, đi qua những giồng cát thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, chúng tôi tìm đến nhà của Anh Thư. Căn nhà mới cất tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng.
Bà Bùi Thị Mý - dì của Thư - nói: "Nhà tình thương, nhờ nhiều người thương góp, người thùng gạch, người thanh sắt mà căn nhà được tinh tươm vậy đó. Hai mẹ con nó vất vả từ hồi nào đến giờ, sắp tới con nhỏ vào đại học mà chưa có đồng nào đóng tiền học".
Ngày ngày, mẹ của Thư - chị Bùi Thị Ngọc Loan - thức dậy từ tờ mờ sáng mua rau về bán, kiếm đồng lời nuôi con ăn học. Một lần đẩy xe đạp chở đầy rau đi bán, bỗng chị vứt xe xuống ruộng rồi ngồi khóc như một đứa trẻ. Sau đó đi khám mới biết chị bị rối loạn thần kinh, bệnh tình cứ tái đi tái lại.
Cứ mỗi lần bệnh thuyên giảm, chị Loan lại kiếm việc làm, để có đồng ra đồng vào cùng chị gái của mình lo cho con. Nhưng bệnh tình ngày càng trở nặng, lúc tỉnh ít hơn lúc mê nên thu nhập cũng chẳng khá khấm gì. Trong khi tiền học và chi phí sinh hoạt của Anh Thư ngày càng cao nên gánh nặng cứ thế đổ dồn lên vai bà Mý.
Nỗ lực của dì và cháu
Bà Mý sống đơn thân, dành thời gian đỡ đần cho em gái, phụ lo cho cháu gái ăn học. Bà làm đủ thứ công việc từ chăn nuôi bò cho đến nhổ cỏ mướn, ai thuê gì bà cũng làm.
"Thấy mẹ nó bị vậy, ba nó lại bỏ đi từ nhỏ nên tui cũng ráng bù đắp cho cháu. Cứ mỗi lần họp phụ huynh, thấy tôi còn nán lại là cô giáo chủ nhiệm ngoắt lại động viên. Lần nào cô cũng nói rất nhiều, kể rất nhiều về cháu gái cho tui nghe. Nghe để tui an tâm chứ mình đâu có theo sát nó từng ngày được. Nhưng con bé ngoan lắm, họp phụ huynh lần nào cô giáo cũng khen hết lời", bà Mý nói.
Nhìn cháu lớn lên từng ngày cùng với sự cố gắng của mình được đền đáp, bà Mý lấy đó làm động lực làm việc. Nhưng đến ngày cháu gái báo tin đã đậu đại học, tâm trạng bà rối bời. Nhà không còn thứ gì để bán, công việc làm thuê làm mướn thì nay vầy, mai khác. Sau đại dịch COVID-19, công việc cũng ít, thu nhập càng bấp bênh. "Không biết tui còn sức để lo cho cháu nữa không", bà Mý buồn rầu nói.
Ngồi cạnh dì Hai, Anh Thư chia sẻ: "Mình sẽ đi làm thêm để đóng tiền học. Dù bất cứ điều gì xảy ra, mình cũng sẽ tiếp tục cố gắng để được đi học".
Anh Thư cho biết bạn đã quen làm thêm từ những năm học cấp II, cấp III; khi lên TP.HCM học, bạn sẽ kiếm một công việc phù hợp để trang trải cho việc học.
"Hồi cấp II, mình đã cùng bạn bè bán bánh tráng trộn. Lời mỗi bịch được 1.000 - 3.000 đồng và mình thấy rất vui. Nhưng cái quan trọng hơn nữa là mình thấy tự tin hẳn, bởi từ công việc đó mình đã có ý tưởng làm thêm cho mình sau khi vào đại học", cô học trò từng đạt giải học sinh giỏi cấp huyện năm lớp 9 nói.
Cô Võ Thị Quyền - giáo viên Trường THPT Trần Trường Sinh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), giáo viên chủ nhiệm cấp III của Nguyễn Thị Anh Thư - cho biết Anh Thư là học sinh có thành tích học tập tốt.
"Dù hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nhưng em Anh Thư luôn nỗ lực vượt khó. Nghe tin Anh Thư đậu đại học ai cũng mừng nhưng bản thân tôi, là giáo viên chủ nhiệm nên nắm rất rõ hoàn cảnh của em, tôi cũng rất lo lắng sắp tới đây em sẽ như thế nào. Cũng mong sao em được sự trợ giúp ban đầu từ báo Tuổi Trẻ để em vượt qua giai đoạn này", cô Quyền nói.
Chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên khó khăn - Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Di nguyện cuối cùng từ cụ bà đã khuất là muốn gia đình gửi đến 'chú lính chì' Bạc Cầm Linh chút tiền mọn bà có được cho đến lúc lìa trần.
Xem thêm: mth.78071220232111202-coh-id-cut-peit-oc-es-hnim-ig-ueid-yk-tab-ar-yax-ud/nv.ertiout