Sáng nay 24-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Toquoc.vn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam là một đất nước có hơn 4 ngàn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu biến đổi thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra đã tích lũy tạo ra và phát huy được nhiều giá trị bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định, mất văn hóa cũng là mất dân tộc.
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”- Tổng Bí thư nói.
Tổng bí thư khẳng định, từ ngày thành lập đến nay Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa, phải hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước nhất là trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xác định phát triển văn hóa phải đồng bộ hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ là cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
Hạn chế yếu kém nổi bật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Đề cập đến vấn đề liên quan đến sáng tác, Tổng Bí thư nói: “Sáng tác thế nào để giáo dục được chứ không phải sáng tác chạy theo mốt, bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, để vui chơi giải trí”.
Theo Tổng Bí thư, phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu thực chất, thiếu những tác phẩm văn hóa văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.
Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng các miền còn lớn, đời sống văn hóa ở đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.
“Các nhà bảo tàng, các rạp chiếu bóng bây giờ còn hay biến thành những nơi để làm tiền hết rồi. Cho thuê, làm kinh tế trong văn hóa, mất cả giá trị bản sắc văn hóa”- Tổng Bí thư bày tỏ.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) với sự tham dự của gần 600 đại biểu từ các bộ, ngành, các văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. |