vĐồng tin tức tài chính 365

Nợ xấu ngân hàng quay lại mức cao của 4 năm trước

2021-11-24 16:26

Thông tin trên được ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo về xử lý nợ xấu sáng 24/11.

Trung bình, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng. Ông Kiên cho biết, giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019.

Tuy nhiên, con số nợ xấu này tăng trở lại lên 1,69% vào cuối 2020 và lên 1,9% cuối tháng 9 năm nay - gần như quay lại mức của năm 2017. Điều này theo ông Kiên, cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết, hệ thống ngân hàng tới nay đã cơ cấu nợ cho khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ. Con số này theo ông vẫn chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh tới năm sau, bởi trên thực tế có 3 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Các ngân hàng phải tiếp tục xem xét cho vay mới trên nền tảng nợ đã được cơ cấu mà bản chất là nợ xấu. Trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống gần thành công, thành quả 5 năm phấn đấu theo ông Hùng đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ khiến ngành ngân hàng phải "gồng" sức.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng phát biểu tại hội nghị sáng 24/11. Ảnh: VNBA

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng phát biểu tại hội nghị sáng 24/11. Ảnh: VNBA

Tổng thư ký VNBA đánh giá, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi vừa phải chống dịch vừa sản xuất. Theo đó, sẽ kéo ngành ngân hàng gặp khó và nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nợ cũ xử lý chưa xong, nợ xấu mới lại áp lực gia tăng, các tổ chức tín dụng đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ và sự cần thiết Luật hóa quy định này.

Trên thực tế, Nghị quyết 42 đã giúp quá trình tái cơ cấu các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đạt một số kết quả tích cực nhưng sẽ hết hiệu lực vào năm tới. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ và Quốc hội để sớm Luật hóa Nghị quyết 42.

Theo ông Hùng, việc luật hóa quy định trên sẽ giải quyết được vướng mắc lâu nay trong việc xử lý nợ khi người vay cố tình chây ì. Xử lý thu hồi nợ xấu hiệu quả sẽ giúp các nhà băng tiết kiệm nguồn lực và chi phí, cũng là điều kiện để họ giảm thêm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ dù có sự giúp ích của Nghị quyết 42 vẫn gặp nhiều vướng mắc. Đại diện Vietcombank cho biết còn lấn cấn việc công khai thông tin khoản nợ cho bên mua, bán khoản nợ dưới giá trị ghi sổ, chưa có cơ chế ràng buộc cho bên mua nợ với khách hàng và hướng dẫn về xác định giá bán nợ - vấn đề gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.

Ông Trần Phương, Uỷ ban chủ nhiệm chính sách (VNBA), đồng thời là đại diện của BIDV cũng cho rằng, Nghị quyết 42 còn nhiều vướng mắc về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...

Ông Phương kiến nghị cơ quan nhà nước đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để giải quyết các nghiệp vụ xử lý nợ, tăng cường các hoạt động online, tránh tình trạng đình trệ tiếp nhận hồ sơ giải quyết, tạo lập, thúc đẩy thị trường mua, bán nợ...

Quỳnh Trang

Xem thêm: lmth.9893934-court-man-4-auc-oac-cum-ial-yauq-gnah-nagn-uax-on/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nợ xấu ngân hàng quay lại mức cao của 4 năm trước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools