Lượng tiền kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2021 được dự báo ở mức 18,1 tỉ USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ở mức 18,1 tỉ USD. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam là 17,2 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới.
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo đó, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỉ USD.
Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.
Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế. Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỉ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.
Theo Công ty CP chứng khoán SSI, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,33% so với cùng kỳ (tháng 9 giảm 0,52%). Tốc độ nhập khẩu tăng thấp hơn, với 8,1% so với 10,2% trong tháng 9. Do đó, cán cân thương mại nới rộng thặng dư 1,1 tỉ USD từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, và đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp. Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng thu hẹp mức thâm hụt xuống chỉ còn -1,5 tỉ USD.
Nguồn USD trên thị trường hiện nay khá dồi dào. Ngoài ra, lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực cũng như các thương vụ mua bán cổ phần, phát hành trái phiếu có giá trên thị trường quốc tế đã góp phần tăng nguồn ngoại tệ trong nước lên cao. Hiện trên thị trường, nguồn cung ngoại tệ liên tiếp chảy về trong thời gian gần đây.
Đại diện NHNN cho biết, năm 2022, trên cơ sở mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Xem thêm: odl.164779-aig-it-hnid-no-puig-oad-iod-ioh-ueik-neit-gnoul/et-hnik/nv.gnodoal