Ngày 24-11, Hiệp hội Ngân hàng (NH) Việt Nam (VNBA) tổ chức hội thảo "Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14".
Các ngân hàng thương mại đề xuất xem xét việc luật hóa nghị quyết về nợ xấu để tạo hành lang pháp lý lâu dài .Ảnh: TẤN THẠNH
Theo các NH, dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), từ đó tác động đến chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu trong hệ thống NH. TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, dự đoán nợ xấu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới bởi trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất, khó khăn của DN sẽ kéo theo khó khăn của các NH.
Hiện các NH thương mại đang thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng cá nhân và DN theo Thông tư 01, 03 và 14 của NH Nhà nước. Theo đó, khoảng 600.000 tỉ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại. Trong thời gian tới, con số này sẽ còn tăng cao vì dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng. "Khoảng 5 năm qua, ngành NH đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu về mức cho phép. Đại dịch xuất hiện gây áp lực rất lớn đối với ngành NH khi vừa bảo đảm hỗ trợ vốn cho DN và nền kinh tế vừa kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NH Nhà nước, dẫn số liệu cho thấy trong giai đoạn triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42/2017/QH14, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,99% hồi cuối năm 2017 về mức 1,63% năm 2019. Đến năm 2020, tỉ lệ nợ xấu tăng trở lại lên mức 1,69% và đến cuối tháng 9-2021 là 1,9%, về gần bằng tỉ lệ nợ xấu khi chưa có Nghị quyết 42/2017/QH14. "Diễn biến này cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch tới chất lượng tín dụng. Việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu xử lý tài sản và các giao dịch mua bán nợ xấu bị gián đoạn. Có khả năng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng nếu có biến chủng mới" - ông Lê Trung Kiên cảnh báo.
Các NH thương mại cho rằng quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu, mang lại chuyển biến tích cực và góp phần không nhỏ vào kết quả của công tác cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/QH14 chỉ có hiệu lực trong 5 năm. Đến ngày 15-8-2022, nghị quyết hết hiệu lực thi hành, đồng nghĩa chấm dứt toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu đang được thực hiện. Từ đây, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách như hiện nay.
Trước thực tế trên, lãnh đạo các NH thương mại và các chuyên gia của VNBA đề xuất kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 hoặc luật hóa nghị quyết về xử lý nợ xấu. Nếu được luật hóa, quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp ngành NH và các cơ quan nhà nước phối hợp xử lý hiệu quả hơn. "NH Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, bền vững cho việc xử lý nợ xấu, qua đó giải phóng nguồn lực tài chính cho các TCTD, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế" - bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - NH Nhà nước, cho hay.
Xem thêm: mth.502230242111202-uax-on-yl-ux-taul-gnogn/et-hnik/nv.moc.dln