Sân bay ở thành phố Newark, bang New Jersey đông đúc trong ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian, trong năm ngoái số bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh sau các ngày nghỉ lễ nhưng năm nay tình hình có thể khác đi vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn như vắc xin, thuốc điều trị...
Mỹ lo ca bệnh tăng sau lễ
Ở Mỹ mỗi ngày có trung bình hơn 92.000 người dương tính với COVID-19 và hơn 1.000 người chết, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này. Số ca bệnh đang gia tăng ở phần lớn các bang, các điểm nóng nằm ở trung tây, đông bắc và một phần phía tây nam.
Dù chưa hết năm 2021 nhưng COVID-19 cũng gây ra nhiều ca tử vong ở Mỹ trong năm nay hơn so với năm 2020, chủ yếu do biến thể Delta dễ lây lan hơn và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao.
Theo báo Guardian, dự báo tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ sẽ tăng từ gần 800.000 ca hiện nay lên 1 triệu ca vào mùa xuân năm tới.
Theo số liệu từ Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA), dự kiến có 20 triệu người sẽ du lịch trong dịp Lễ Tạ ơn năm nay, gần với lượng du khách kỷ lục 26 triệu người vào năm 2019.
"Mùa đông là thời điểm bệnh viện bận rộn vì bệnh cúm và viêm phổi. Năm nay tôi nghĩ sẽ có thêm COVID-19 nữa. Tôi nghĩ rằng ca bệnh sẽ tăng lên trong vài tuần tới", Phó Giáo sư Kyle Enfield tại Bệnh viện Đại học Virginia cho biết.
Các bệnh viện đang thuê càng nhiều y tá và bác sĩ lâm sàng càng tốt, tăng công suất giường bệnh để chuẩn bị. Đây là việc không hề dễ dàng vì các bệnh viện trên toàn quốc đều đang thiếu nhân công.
Ý muốn triển khai "thẻ xanh đậm"
Sắp tới người dân Ý phải xuất trình bằng chứng tiêm vắc xin mới được tham gia hoạt động công cộng hay ăn trong nhà - Ảnh: REUTERS
Trong ngày 24-11, các nước Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary đều có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Trong khi đó, Ý đang muốn cấm người chưa tiêm vắc xin tham gia các hoạt động xã hội hay thể thao.
Ý sẽ triển khai "thẻ xanh đậm" trong tuần tới. Đây là thẻ mới, dùng để chứng minh đã tiêm vắc xin để vào rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tập thể dục, sân vận động hay nhà hàng, quán bar.
Thủ tướng Ý Mario Graghi được cho là đang cân nhắc bắt buộc cảnh sát và giáo viên tiêm vắc xin COVID-19.
Tính đến sáng 23-11, hơn 84% dân số Ý trên 12 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ. Tổng số người chết ở Ý đã lên đến 133.330 người, cao thứ hai châu Âu sau Anh (144.137 người).
Cũng trong ngày 24-11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Âu (ECDC) vừa ra khuyến cáo mới ủng hộ tiêm mũi tiêm bổ sung (mũi thứ 3) với tất cả người lớn do tình hình dịch COVID-19 căng thẳng.
Trong khuyến nghị trước đó (công bố hồi tháng 9-2021) cùng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), ECDC cho rằng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả những người lớn đã tiêm đầy đủ là chưa cần thiết.
Nhật và Campuchia rất ít ca mới
Một điểm tổ chức lễ hội đông người ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: KT
Báo KhmerTimes cũng cho biết Campuchia ghi nhận 34 ca mới trong ngày 24-11, thấp nhất kể từ tháng 3.
9 tháng sau lần bùng dịch ngày 20-2, Campuchia đã kiểm soát COVID-19 và nước này đang mở cửa trở lại ở hầu hết lĩnh vực.
Thủ tướng Hun Sen bày tỏ tin tưởng rằng việc mở cửa trở lại đất nước sẽ không dẫn đến bùng phát dịch bệnh như đã từng xảy ra trong quá khứ. Cho tới nay, COVID-19 đã khiến Campuchia thiệt hại khoảng 2,3 tỉ USD.
Theo Hãng tin Kyodo, thủ đô Tokyo của Nhật Bản chỉ ghi nhận 5 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 24-11, mức thấp nhất trong năm nay.
Số ca mắc mới hàng ngày ở Tokyo vẫn dưới 50 ca kể từ giữa tháng 10.
TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người chết vì COVID-19 tại châu Âu có thể lên đến 2,2 triệu người trong mùa đông nếu tình hình lây nhiễm tại châu lục này cứ tiếp tục như hiện nay.