“Chúng ta tin có thể xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân và nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam (VN) sẽ bừng sáng và sẽ hòa trong dòng chảy của văn minh nhân loại” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong mỏi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Ảnh: TTXVN
Văn hóa phải đặt ngang với kinh tế, chính trị
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Trong dòng chảy của văn hóa VN sau 35 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.
Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa - đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa VN ra thế giới rất tốt.
Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hóa đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập của lĩnh vực văn hóa hiện nay. Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ. Thể chế về văn hóa đang trong quá trình hoàn thiện, công tác cán bộ của ngành văn hóa nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ, những chiến sĩ tiên phong của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa còn nhiều bất cập.
Văn hóa còn thì dân tộc còn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu nói “văn hóa còn thì dân tộc còn” và cho biết thật ra từ xưa đều có những câu nói này, chúng ta đều nói với nhau nhưng ít khi để nói đến cùng ý nghĩa của nó.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta hay nói là đã quán triệt đầy đủ tinh thần nghị quyết, quán triệt đầy đủ các chủ trương chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước nhưng khâu thực hiện còn yếu kém, do nguồn lực không đủ. “Điều đó có một phần đúng nhưng phần nhiều đó là tự bào chữa cho cái mà chúng ta không nhận thức được triệt để” - ông nói và phân tích: Khi chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của một vấn đề nào đó mang tính sống còn đối với đất nước, đối với dân tộc hay những vấn đề mang tính sống còn đối với bản thân mình và người thân của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ dồn nguồn lực thời gian, tiền bạc, công sức để làm, thực hiện cho bằng được.
“Cái gì mà chúng ta cứ lặp đi lặp lại là do khâu tổ chức còn yếu, do hạn chế về nguồn lực nên không thực hiện được thì phải xem lại về nhận thức, điều này vô cùng quan trọng” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội dù không chú ý, dù chưa làm tròn trách nhiệm hay “quyết” không chuẩn thì cũng phải nhiều năm sau, nhiều nhiệm kỳ sau mới bộc lộ ra.
“Nếu một đất nước chỉ tập trung vào kinh tế không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất thành quả của nhiều chục năm thì mới khắc phục được các vấn đề về môi trường. Xa hơn, đã chú ý môi trường rồi mà không chú ý đến văn hóa, xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được, thậm chí là sụp đổ” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Hạnh phúc không phải là nhiều tiền, nhiều của nhưng chắc chắn nghèo thì không hạnh phúc được”. Lấy dẫn chứng việc chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng cho hay nếu chúng ta không có tiền mua vaccine, không có tiền mua thuốc cho người dân, làm sao chúng ta hạnh phúc được.
“Chúng ta vẫn phải phát triển, chúng ta phải chống được tụt hậu. Bây giờ phải chăng đó là thôi thúc để tiếp tục tạo nên những xung lực để phát huy toàn bộ sáng tạo và sức mạnh của toàn dân, để chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn” - Phó Thủ tướng nói.
Cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng nói: “Chúng ta khiêm tốn nhưng chúng ta cũng phải bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và chúng ta tin chúng ta có thể xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân và nền văn hóa, văn hiến của VN sẽ bừng sáng và sẽ hòa trong dòng chảy của văn minh nhân loại”.•
GS-TSKH VŨ MINH GIANG: Di sản, di tích văn hóa chưa được khai thác hiệu quả Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế... Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. VN là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng, gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên, đến nay những di sản, di tích văn hóa đó chưa được khai thác hiệu quả. PGS-TS - nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN: Cần chủ động hội nhập, tiếp thu có chọn lọc Thời gian qua, việc tiếp thu văn hóa bên ngoài thiếu chọn lọc đã khiến môi trường văn hóa nước nhà bị “ô nhiễm” khá nghiêm trọng. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta còn tỏ ra lúng túng và bị động, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân. Việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị sa đà và xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật giải trí, ca nhạc, phim ảnh... khiến cho môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, “ô nhiễm” khá nghiêm trọng. Những hiện tượng kể trên tồn tại trong một thời gian dài, tác động tới đời sống văn học - nghệ thuật, làm chững lại nhịp phát triển, kéo theo những sa sút về văn hóa và nhân cách con người. GS-TS LÊ HỒNG LÝ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN: Kỷ cương, văn hóa phải lan tỏa ra toàn xã hội Những vụ án chống tham nhũng do Đảng tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng những người dân ở mọi tầng lớp trong cả nước, kể cả những người không có thiện cảm với chế độ cũng phải công nhận, pháp luật kỷ cương được tôn trọng, công minh. Mọi người được bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích cho người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ khi họ làm đúng những gì pháp luật cho phép, họ không còn sợ bị bóp méo, bị những áp lực không trong sáng từ một số kẻ thực thi biến chất. Như vậy động lực này mới khơi dậy được sự sáng tạo của con người và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỷ cương có một môi trường tốt cho tất cả cơ hội phát triển… Thiết nghĩ đến lúc này sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành mà phải lan tỏa sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hóa đối với sự phát triển đất nước VN tươi đẹp.• |