Khu hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM) có bệnh nhân nằm kín các giường bệnh - Ảnh: XUÂN MAI
Hơn một tuần nay số ca mắc của TP.HCM vượt 4 con số, như ngày 24-11 có 1.666 ca. Số ca mắc tăng, kéo theo số ca trở nặng và tử vong tăng. Từ duy trì dưới 30 ca tử vong/ngày, 4 ngày trở lại đây số ca tử vong tăng liên tục, lần lượt từ 50, 55, 59 lên 62 ca ngày 24-11.
Không phải F0 nào cũng cách ly tại nhà
Theo thống kê, trong tổng số ca F0 hiện tại có khoảng 70% trường hợp có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng đang được cách ly chăm sóc tại nhà hoặc khu cách ly tập trung. Làm gì để giảm số ca mắc chuyển nặng? Hướng dẫn mới nhất từ TP.HCM được "chi tiết hóa" từ phân loại người F0 nào được cách ly ở nhà; chăm sóc ra sao; nên và không nên làm gì; dấu hiệu cần báo ngay cho y tế và kê đơn, cấp cứu F0 tại nhà...
Hướng dẫn lần này quy định rõ hơn về đối tượng được chăm sóc tại nhà khi đảm bảo đủ 2 điều kiện bao gồm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (không có suy hô hấp SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96% khi thở khí trời, nhịp thở bằng hoặc dưới 20 lần/phút). Chỉ những F0 có độ tuổi từ 1 - 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì mới được cách ly ở nhà.
Ngoài ra quy định này chỉ cho phép một số trường hợp không thỏa các điều kiện nêu trên có thể xem xét cách ly ở nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.
TP Thủ Đức (TP.HCM) là một trong các địa phương được ghi nhận có số ca mắc tăng nhanh gần đây. Ông Nguyễn Văn Chức - giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức - cho biết để "đánh chặn từ xa", ngoài 32 trạm y tế cố định, các trạm y tế lưu động, các phường triển khai tổ y tế lưu động đến từng khu phố (trước đây là phường) để kịp thời xử lý các ca F0 chuyển nặng. "Tổ lưu động của từng khu phố khá đông, bao gồm đủ các ban ngành từ y tế, đoàn thanh niên, dân quân, giáo dục, thành ra việc phản ứng và tiếp cận sẽ được gần người dân hơn" - ông Chức nói.
Đồ họa: TUẤN ANH
Bảo vệ nhóm nguy cơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định việc số ca mắc tăng khi các lực lượng chi viện dần rút quân phần nào gây áp lực cho hệ thống quản lý, chăm sóc, điều trị F0 của TP. Với việc kích hoạt lại hàng loạt trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh, thiết lập các đường dây nóng tại cơ sở và tổ chức các đội ngũ tư vấn bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ xa..., ngành y tế hy vọng từng bước ứng biến với tình hình dịch có thể còn gia tăng trong thời gian tới.
Thực tế hiện nay tại các bệnh viện 3 tầng và trung tâm hồi sức tuyến cuối (Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y dược...) đều xây dựng quy mô 150 giường hồi sức. So với công thức 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức, một số đơn vị chưa đủ nguồn nhân lực, ngành y tế cần phải kịp thời bổ sung nhằm chăm sóc điều trị bệnh nhân được đảm bảo.
Để tăng biên chế chăm sóc điều trị ngăn giảm số ca tử vong, vừa qua ngành y tế TP.HCM triển khai phương án phải huy động thêm 390 nhân sự là bác sĩ, điều dưỡng từ 16 bệnh viện chi viện cho các bệnh viện dã chiến 3 tầng chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 có xu hướng gia tăng.
ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng bài toán giảm số ca mắc, chuyển nặng và tử vong cần phải được tính toán một cách xuyên suốt từ ý thức người dân đến bổ sung năng lực cho y tế cơ sở và y tế tuyến cuối. Dẫn dắt câu chuyện Nhật Bản từ 25.000 xuống 50 ca COVID-19 mỗi ngày, bác sĩ Vân Anh cho rằng ngoài vắc xin, ý thức hành vi con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Để hạn chế mức thấp nhất số ca tử vong, cần phải có sự phân định các bệnh nhân có nguy cơ cao (béo phì, bệnh nền, chưa chích đủ vắc xin), quản lý tốt số giường hồi sức để chủ động có giải pháp bảo vệ và tập trung điều trị khi mắc COVID-19. Song song đó cần có cơ chế huy động lực lượng (y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên, tình nguyện viên...) tham gia việc hỗ trợ tư vấn từ xa, phát các túi thuốc, cũng như chăm sóc điều trị F0 trong bối cảnh số ca gia tăng.
Số ca tử vong ở TP.HCM thuộc nhóm nào?
Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi, mang nhiều bệnh nền và đặc biệt "không chịu tiêm vắc xin". Thống kê các ca tử vong một ngày cho thấy có điểm chung trên 50% chưa tiêm vắc xin.
Ngoài ra một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm COVID-19. Có người mắc COVID-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp nêu trên, theo vị này, COVID-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.
Một nguyên nhân khác khiến số ca tử vong tăng ở TP.HCM xuất phát từ việc TP đang phải "gánh" một phần ca tử vong của các tỉnh. Bởi hiện nay với các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, TP.HCM phải tiếp nhận điều trị.
TTO - UBND TP.HCM vừa thành lập 19 đoàn công tác do các lãnh đạo TP dẫn đầu, kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Kế hoạch kiểm tra từ ngày 25 đến 30-11.