Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM, MCK: VEA) thông báo đã bán thành công 3.100 cổ phiếu, tương đương toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ tại công ty này.
Giao dịch được thực hiện từ ngày 16/11 đến ngày 18/11 theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh. Chốt phiên ngày 18/11, cổ phiếu VEA trên sàn chứng khoán có giá 42.800 đồng/cổ phiếu. Ước tính với mức giá này, Phó Tổng giám đốc đã thu về khoảng 133 triệu đồng.
Về tình hình kinh doanh của VEAM, dựa theo báo cáo tài chính được công ty công bố, quý III/2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 795 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận 750 tỷ đồng, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm được công ty lý giải do lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ sở hữu của VEAM tại công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh 52%, tương đương 717 tỷ đồng.
Cơ cấu lợi nhuận của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây phần lớn đến từ hoạt động liên doanh với 3 hãng xe lớn gồm Honda, Ford và Toyota. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận doanh thu đạt 2.841 tỷ đồng, tăng 6,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Nhờ động lực từ 3 hãng xe liên doanh, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của VEAM đạt 3,874 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
VEAM đặt kế hoạch cho năm 2021 với tổng doanh thu là 1.116,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.930 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành được gấp 2,5 lần kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2021, tổng tài sản của VEAM giảm 13,2% so với đầu năm còn 23.615 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 74% tổng tài sản, tương ứng 17.543 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2021, theo báo cáo tài chính hợp nhất, VEAM có giá trị hàng tồn kho trị giá 1.828 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 460 tỷ đồng (tỉ lệ 25%). Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tồn kho thành phẩm với 909 tỷ đồng (trích lập dự phòng 306 tỷ đồng).
Cùng với đó, tính tới cuối quý III/2021, tổng nợ vay dài hạn tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận 60 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VEAM chỉ còn 21.830 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm.
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra tại VEAM chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công Thương đã chuyển tiếp một số vụ việc sang Bộ Công An để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế, trong đó có một số sai phạm liên quan đến một số cựu lãnh đạo VEAM.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/11, Veam đang dừng ở mức giá 45.500 đồng/cổ phiếu.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) được thành lập ngày 12/5/1990. VEAM trực thuộc Bộ Công Thương quản lý các đơn vị thành viên được thành lập trước đó.
Công ty mẹ VEAM hiện đầu tư vốn tạo 25 đơn vị bao gồm các đơn vị trực thuộc (chi nhánh), công ty con và công ty liên kết. Ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô, đúc chi tiết chế tạo máy, thương mại. Đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: động cơ và máy nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ; ô tô, xe máy,..