Thêm nhiều sản phẩm tiêu biểu được công nhận và cấp sao trong năm 2021, Chương trình OCOP đang đặt những bước đi chắc chắn cho giai đoạn 2021-2025.
Nhiều địa phương về đích, nở rộ "sao OCOP"
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Vụ trưởng - Chánh văn phòng - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến hết năm 2020, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020 về số lượng sản phẩm OCOP. Đến tháng 8.2021, đã có 4.939 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 62,2% sản phẩm 3 sao, 36,1% sản phẩm 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Bộ NNPTNT đã đánh giá, phân hạng và công nhận đối với 20 sản phẩm OCOP 5 sao năm 2020.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP.Hà Nội – ông Chu Phú Mỹ cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, TP.Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Trong đó xác định phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên...
Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2021, Hà Nội phấn đấu đánh giá được 400 sản phẩm OCOP, đến nay các quận, huyện, thị xã đăng ký được 541 sản phẩm. Trong đó, các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai, Ba Vì... đã hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Với kết quả như vậy, dự kiến Hà Nội sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2021.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh sớm phê duyệt, triển khai Chương trình OCOP. Sau gần 4 năm nỗ lực, tỉnh Bắc Kạn đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với hơn 130 sản phẩm, trong đó có sản phẩm OCOP được công nhận 5 sao, đã xuất khẩu ra thị trường Châu Âu. Toàn tỉnh đã có hơn 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh là miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. Toàn bộ sản phẩm của gần 30 cơ sở chế biến tại Côn Minh đều đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, sử dụng nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn, trong đó một sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Đến nay, Bắc Kạn đã có hơn 40 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử, có 56 sản phẩm được giao thương trên các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, Đồng Tháp có thêm ít nhất 49 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời tỉnh còn triển khai, phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh tại TP.Cao Lãnh trên cơ sở kết hợp không gian hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành quyết định công nhận 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2021. Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh đã có 55 sản phẩm và dịch vụ được công nhận và cấp sao. Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR..., tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng và có chỗ đứng trên thị trường.
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, nhưng tỉnh Cà mau đã có thêm 18 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đợt 1 của năm 2021. Tỉnh Cà Mau cũng đặt mục tiêu có thêm 19 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao vào cuối năm 2021...
Phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP "xanh" gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP…
Đặc biệt, các tỉnh ưu tiên quy hoạch và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Tăng cường sự liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn nguyên liệu giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với các vùng nguyên liệu.
“Các địa phương ưu tiên chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương và phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản và các dịch vụ đặc sắc, truyền thống, có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng”
(Ông Nguyễn Minh Tiến - Vụ trưởng - Chánh Văn phòng - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương).
Xem thêm: odl.255779-5202-1202-naod-iaig-poco-hnirt-gnouhc-naux-aum-neh-auh-mihc-hnac-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal