Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều tối 24-11.
Theo bà Yến, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng tiếp tục tăng trong những ngày qua, một số ca liên quan đến khu công nghiệp. Tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Các địa phương và đơn vị có F0 cần khẩn trương truy vết F1, F liên quan và đánh giá đúng nguy cơ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp phù hợp. Nếu vẫn còn lúng túng và không đánh giá đúng nguy cơ, hậu quả xảy ra thì doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là việc đảm bảo các đơn hàng cuối năm.
Đà Nẵng đang tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. Ảnh: T.AN
Bà Yến cho hay, về lý thuyết thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 là 14 ngày, nhưng nhiều người đang nhầm lẫn khi cho rằng có kết quả âm tính là không có nguy cơ mắc bệnh.
“Không phải cứ xét nghiệm âm tính là không có nguy cơ mắc bệnh. Hai cái này hoàn toàn khác nhau. Nếu cứ nghĩ xét nghiệm âm tính rồi thì không có nguy cơ mắc bệnh là tự chui vô thòng lọng, coi như bể, vì bỏ qua một nhịp là coi như không kiểm soát được thì tình hình dịch căng thôi. Ngành y tế phải quán triệt lại việc này” - bà lưu ý.
Trong trạng thái bình thường mới, lãnh đạo TP cho rằng việc truy vết hết F1 và đánh giá F liên quan là rất khó. Ranh giới giữa F1 và F liên quan rất mong manh, nếu đang lừng khừng, chưa yên tâm giữa F1 và F liên quan thì đưa hết về F1 để quản lý chặt và áp dụng biện pháp phù hợp.
Bà Yến cũng đề nghị địa phương, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp và trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý các ca mắc mới.
“Khi phát hiện F0, nếu trách nhiệm ở lừng khừng giữa mình và họ thì thôi cố nhận về phần mình, đừng đẩy qua đẩy lại rồi cuối cùng việc không ai lo hết. Mỗi đơn vị, mỗi ngành tự xem lại trách nhiệm của mình như thế nào. Phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, giành phần khó về mình thì mới phòng, chống dịch tốt được” - bà nói.
Theo lãnh đạo TP, nhiều F1 có thể vẫn còn lẩn quẩn trong cộng đồng. Bởi vậy, người dân cần nghiêm túc thực hiện quy định 5K khi đến nơi đông người để bảo vệ bản thân và góp phần cùng với TP ngăn ngừa dịch lây lan. Khi xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phức tạp, quy mô lớn thì khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp, tránh để thời gian quán dài, để mất cơ hội dập dịch.
Về công tác tiêm chủng, từ hôm nay (25-11), TP sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6, 7. Đây là lứa tuổi còn nhỏ và nhạy cảm, bà Yến đề nghị ngành giáo dục, y tế phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị chu đáo, lên phương án xử lý đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm. Có kế hoạch tiêm trả mũi 2 cho nhóm học sinh đã tiêm, đồng thời tiếp tục rà soát, tiêm vaccine những đối tượng chưa tiêm.
“Cần hết sức tập trung trong thời điểm này. Số ca mắc của Đà Nẵng vẫn còn dưới 3 con số nên chúng ta còn điều kiện để điều tra, truy vết và cố gắng hết sức để kiểm soát được tình hình. Nếu như số ca quá lớn, chúng ta sẽ không kiểm soát được nữa. Các địa phương khi xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phức tạp thì phải xắn tay áo điều tra truy vết, xử lý ngay” - bà Yến nói thêm.
Trong ngày 24-11, Đà Nẵng ghi nhận thêm 60 ca mắc COVID-19, gồm 10 ca cách ly tập trung, 23 ca cách ly tại nhà, một ca trong khu phong tỏa, một ca về từ ngoại tỉnh và 25 ca chưa cách ly. Đáng chú ý, trong 25 ca cộng đồng có 9 trường hợp được lấy mẫu tại Công ty Hữu Nghị liên quan đến một F0, nhiều trường hợp chủ động đến các cơ sở y tế xét nghiệm và phát hiện mắc bệnh. Toàn TP đang thiết lập 133 khu vực phong tỏa với 1.056 hộ, duy trì 16 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 860 người. Từ 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 660 ca COVID-19, trong đó gần 200 bệnh nhân đã điều trị khỏi và xuất viện. |