Nhà ga T3 góp phần nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm vào năm 2025.- Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông tin này được đề cập trong thông báo kết luận của Bộ Giao thông vận tải sau buổi làm với UBND TP.HCM về tình hình triển khai các dự án: nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 3, dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải và TP.HCM thống nhất đẩy nhanh các thủ tục giải phóng mặt bằng để sớm khởi công các dự án đã bố trí vốn. Cụ thể, đối với dự án nhà ga T3, TP.HCM sẽ sớm có văn bản gửi Bộ Quốc phòng thống nhất theo đề nghị của Bộ Quốc phòng về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo nghị định 167 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Các sở ban ngành liên quan sẽ phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) trong công tác thu hồi bàn giao đất. Đồng thời, bổ sung kế hoạch sử dụng đất 5 năm TP.HCM (2021-2025), kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận Tân Bình đối với phần diện tích 16,05ha để sớm triển khai xây dựng nhà ga T3 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp thông tin, có văn bản góp ý về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo tiến độ.
Còn với dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, Chính phủ đã có nhiều văn bản giao UBND TP chủ trì cùng các địa phương liên quan phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thống nhất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để báo cáo Chính phủ. Dự án có quy mô và chi phí giải phóng mặt bằng lớn, rất khó triển khai theo hình thức PPP nếu không có hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước.
Hiện nay, theo báo cáo của 4 tỉnh thành phố có đường vành đai thì không có khả năng cân đối bố trí ngân sách cho dự án trong nhiệm kỳ 2021-2025. Vì vậy, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cần sớm thống nhất phương án đầu tư và có cơ chế thực hiện, sớm báo cáo Chính phủ xem xét.
Dự án nhà ga hành khách T3 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5-2020 với tổng vốn gần 11.000 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Mục tiêu xây dựng nhà ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1. Đồng thời, nhà ga T3 cũng phải phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Đến nay, dự án chưa thể khởi công vì đang các thủ tục bàn giao bàn giao 16,05ha đất quốc phòng.
TTO - Nhiều ý kiến lo ngại việc kết nối bằng hàng không đến TP.HCM sẽ không theo kịp kế hoạch nếu không đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.