vĐồng tin tức tài chính 365

Giật mình về chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

2021-11-26 07:15

Chiều 25-11, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Giám định hoàn toàn độc lập, khách quan

Trước đó, nhiều bị cáo thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban quản lý dự ánnhà thầu thi công cho rằng kết luận giám định (về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đạt chất lượng) có “nhiều vấn đề”. Để làm rõ điều này, HĐXX cho gọi giám định viên (GĐV) thuộc Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam (Bộ GTVT) - đơn vị thực hiện và kết luận giám định đối với chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo cáo trạng, tháng 9-2018, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc (gồm 65 km từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ) đưa vào khai thác sử dụng. Đến tháng 10-2020, tức chỉ hai năm sau, đoạn đường xảy ra 380 điểm hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Giật mình về chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - ảnh 1
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP

Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Trình bày trước tòa, đại diện cơ quan giám định viện dẫn nhiều quy định, căn cứ để khẳng định quá trình giám định được thực hiện khoa học, khách quan, đảm bảo đúng pháp luật.

Ông nhiều lần nhấn mạnh việc đánh giá, lấy mẫu giám định đều được thực hiện trực tiếp tại hiện trường, hoàn toàn độc lập, không chịu ảnh hưởng của bất cứ bên nào. Những thông số, kết quả thí nghiệm mà kết luận giám định đưa ra đều đã loại trừ ảnh hưởng của thời gian (khoảng thời gian tuyến đường đưa vào khai thác - PV). Chính vì vậy, các bị cáo có thể hoàn toàn yên tâm, bản thân người giám định “không bao giờ hại ai”.

Tiếp lời, GĐV phản bác ý kiến của các bị cáo và luật sư khi cho rằng “chọn vị trí xấu” để lấy mẫu giám định, bởi việc lấy mẫu hoàn toàn dựa trên xác suất ngẫu nhiên, thậm chí “chỗ nào hư còn né ra”.

Ông ví dụ về quy trình giám định cấp phối đá dăm. Theo quy định, các đơn vị phải khai báo chất lượng đá theo từng mỏ, nếu có phối trộn thì phải đăng ký và kiểm soát chất lượng. Thế nhưng, thực tế có tới bốn loại đá khác nhau nhưng không có hồ sơ nào thể hiện việc kiểm soát chất lượng khi trộn chúng với nhau. Điều này khiến GĐV “giật mình”.

Tương tự, về vấn đề sử dụng chất phụ gia nhằm cải thiện khả năng dính bám của đá với nhựa, hồ sơ cũng không có tài liệu nào chứng minh chất phụ gia đó khi trộn vào thì có đồng đều ở tất cả vị trí trên toàn tuyến cao tốc hay không, phát huy hiệu quả ra sao, càng không thấy việc thử nghiệm, chứng minh nhựa sau khi cho phụ gia có tác dụng hay không…

“Nồi canh ngon mà bốc chỗ nào cũng thấy sâu”

Vẫn theo lời GĐV, kết quả kiểm tra cả tuyến cho thấy độ dính bám không phát huy, nhựa không bám dính vào đá. “Các anh có giật mình không khi lớp vật liệu rỗng như thế này và nó không bọc nhựa? Vật liệu rất rời rạc, vậy thì chịu lực làm sao được, các anh ngạc nhiên chưa, và sẽ còn rất nhiều điều ngạc nhiên…” - ông hướng câu hỏi tới các bị cáo, đồng thời trên tay đưa ra hình ảnh để minh họa.

Tiếp đó, GĐV cũng chứng minh tại một số vị trí trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thể hiện vật liệu bị nứt, vỡ, nguy hiểm hơn là không có lưới chống nứt… Thậm chí, sau khi khoan, GĐV cho vòi nước chảy xuống vị trí khoan thì nước rút hết ngay sau đó, cho thấy “móng rỗng đến như thế là sao?”.

Đáng chú ý, một luật sư đặt vấn đề cả đoạn đường 20 km nhưng đơn vị giám định chỉ khoan 11 lỗ, vậy căn cứ vào tiêu chuẩn nào để kết luận chất lượng, đồng thời hỏi về quy trình khoan, cách thức giám định. Luật sư còn cho rằng nhà thầu, chủ đầu tư, ban quản lý chỉ thi công dự án theo các thông số kỹ thuật để đáp ứng việc nghiệm thu, chứ không thể thực hiện theo đề cương chuyên sâu của cơ quan giám định. Vậy nếu kết quả giám định khác với kết quả nghiệm thu thì sử dụng cái nào để quy trách nhiệm?

Trước câu hỏi này, GĐV liền ví von: “Anh nói nồi canh của anh nó ngon, nó ngọt, nó quý chỗ nào tôi không biết nhưng tôi nhắm mắt bốc chỗ này thấy có sâu, bốc chỗ kia cũng có sâu, vậy vẫn kết luận nồi canh đó là ngon à, không được”. Ông cho biết việc đánh giá, thẩm định chất lượng tuyến cao tốc cũng như vậy.

Thiệt hại hơn 800 tỉ đồng

Theo VKS, thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán. Hậu quả từ hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. 

Xem thêm: lmth.3010301-iagn-gnauq-gnan-ad-cot-oac-gnoul-tahc-ev-hnim-taig/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giật mình về chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools