Theo lộ trình đề ra tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018, đến ngày 31/12 năm nay, toàn bộ thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa.
Như vậy, từ sau ngày 31/12, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các cây ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.
Thẻ gắn chip mới vẫn có kích thước giống như thẻ cũ, với chiều dài: 85.60mm x chiều rộng: 53.98mm. Song thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ ATM cũ vì thẻ ATM cũ nhận thông tin bằng dải từ phía sau và không được mã hoá. Còn thẻ chip với con chip nằm ở mặt trước thẻ giúp mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu. Thông tin cá nhân sẽ được mã hoá theo dãy số nhị phân của máy tính và liên tục được thay đổi.
Bên cạnh đó, thẻ chip mới sẽ chứa những công nghệ có tính bảo mật cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Đặc biệt, ngoài các tính năng giao dịch thông thường, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (Contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.
Nhiều chuyên gia nhận định việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi này cũng mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng.
Có 2 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang CMT/ Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Cách thứ hai, khách hàng có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.
Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, một số ngân hàng như Techcombank, SHB, Nam A Bank...vẫn đang triển khai miễn phí chuyển đổi cho khách hàng từ nay cho tới cuối năm.
Bên cạnh đó, một vài ngân hàng đã dừng chương trình khuyến mãi như PVComBank chỉ áp dụng miễn phí đến 30/9/2021, Agribank và Kielongbank đến 15/11/2021. Mức phí chuyển đổi phổ biến sau thời hạn này là 50.000 đồng. Sacombank sẽ kết thúc việc miễn phí chuyển đổi vào ngày 20/12 tới đây, sau đó sẽ thu phí 49.000 đồng.
Ngoài ra, để bảo quản thẻ ATM gắn chip, khách hàng cần lưu ý không để thẻ chip gần các vật sắc nhọn như dao kéo… và bảo quản chúng trong ví mềm để tránh hư hỏng chip; không bẻ, uốn cong thẻ vì có thể làm sai lệch các thông tin do chip có các mạch điện tử bên trong; bảo quản thẻ ở nơi ở nhiệt độ thường vì thẻ được cấu tạo từ nhựa cứng nên có thể nhanh hư hỏng nếu ở điều kiện không phù hợp.
Để tránh mất phí quá cao khi thực hiện giao dịch với thẻ chip, khách hàng lưu ý rút tiền tại ATM trong hệ thống; chuyển khoản trong nội bộ hệ thống qua máy ATM.
Việc sử dụng quen thẻ từ khiến không ít khách hàng lo lắng khi các ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Trên thực tế, cách sử dụng thẻ chip cũng không có quá nhiều khác biệt so với thẻ từ. Người dùng vẫn có thẻ sử dụng thẻ chip thực hiện các giao dịch thanh toán tại cửa hàng, siêu thị hay rút tiền nhanh chóng tại các điểm rút tiền tự động ATM. Đặc biệt, thẻ gắn chip có thể mua hàng online dùng trên toàn cầu. Có điều, phí duy trì thẻ hàng năm có thể cao hơn thẻ từ, tùy vào mỗi ngân hàng.
Hương Anh (tổng hợp)