Là tín đồ chuộng các món ăn mang hương vị châu Âu, chị Hạnh, ở Gò Vấp cho biết, trước đây muốn mua rau nhập khẩu để chế biến thường phải đặt ở các cửa hàng chuyên dụng vài ngày mới có, nay hầu hết hệ thống siêu thị đều bán. "Mặc dù giá gấp 5-7 lần so với hàng trong nước nhưng chất lượng sản phẩm khác biệt nên tôi vẫn lựa chọn", chị Hạnh nói.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, rau chân vịt baby (cải bó xôi) và xà lách Salad Wild Roquette có giá 95.000 đồng 100 gram, tức 950.000 đồng một kg, với rau xà lách baby hỗn hợp có giá 82.000 đồng 100 gram, tương đương 820.000 đồng một kg, dưa leo nhật là 750.000 đồng một kg.
Ngoài ra, các loại búp bắp cải xanh, bông cải xanh baby, bông cải trắng - vàng - đỏ và hàng loạt loại gia vị nhập khẩu khác từ Autralia, Anh, Nhật cũng có giá 300.000-500.000 đồng một kg.
Lý giải giá rau nhập khẩu cao ngất ngưởng, đại diện Chuỗi cửa hàng Ant Farm -chuyên về rau củ, trái cây nhập khẩu cho biết, đây là các sản phẩm chất lượng cao, hàng lạ và hiếm nên giá thành đắt đỏ. Chẳng hạn như loại xà lách Salad Wild Roquette, hàng nội địa không có bán trên thị trường. Trong khi đó, do là hàng tươi, dễ hư hỏng nên chi phí đưa về Việt Nam cũng rất cao. Ngoài chi phí bảo quản, tiền vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ khá lớn.
"Phí bảo quản hai đầu từ nước nhập khẩu và tại Việt Nam chiếm tới 40-50%, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh chi phí thậm chí còn cao hơn", đại diện một cửa hàng nhập khẩu rau quả từ Nhật Bản cho biết.
Đánh giá về sức mua của các loại rau này, các nhà nhập khẩu cho biết, đây đang là nhóm sản phẩm được giới nhà giàu quan tâm.
Theo đại diện Ant Farm, mỗi tuần chuỗi cửa hàng của ông nhập khoảng 1 tấn rau các loại nhưng cũng đều được tiêu thụ khá tốt. Ông cho rằng, xu hướng người tiêu dùng có thu nhập cao ngày càng chuộng rau nhập vì chúng có chất lượng tươi ngon khi vận chuyển về Việt Nam.
Thừa nhận rau nhập khẩu đang là xu hướng mà giới nhà giàu lựa chọn, đại diện Vinmart cho biết, tại hệ thống siêu thị lớn, công ty đều dành ra một quầy để trưng hàng nhập khẩu. Đây là mặt hàng siêu thị hợp tác với nhà cung cấp để đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nếu trước đây rau nhập khẩu cao cấp chỉ bán lẻ tẻ ở một vài cửa hàng thì nay được phân phối rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị dù giá khá đắt đỏ.
Đánh giá về thị trường thời gian tới, các đơn vị nhập khẩu cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hàng nhập từ nhiều quốc gia khác để đa dạng sản phẩm. Ngoài ra, họ sẽ tìm cách tiết giảm chi phí để rau, củ nhập khẩu bằng hàng không vào Việt Nam có giá tốt hơn.
Hồng Châu